Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để người tiêu dùng bị bỏ rơi

Thanh Hiền| 08/11/2016 06:26

(HNM) - Ở nhiều nước, chỉ cần một cuộc vận động tẩy chay một sản phẩm, dịch vụ gây hại, đi ngược lợi ích của người tiêu dùng cũng có thể khiến một doanh nghiệp điêu đứng.


Quyền lợi người tiêu dùng hiện chưa được nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tôn trọng và bảo đảm. Ảnh: Hải Anh


"Thượng đế" vẫn thiệt đủ đường

Những thông tin sai lệch về hàm lượng asen trong nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) công bố giữa tháng 10-2016 đã gây hoang mang cho đông đảo người dân và để lại hậu quả xấu cho các DN sản xuất nước mắm truyền thống. Rất may, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời vào cuộc, chấn chỉnh những thông tin sai lệch, đồng thời điều tra, xử lý nghiêm vụ việc. Tuy nhiên, qua đó để thấy, dù có một hiệp hội để bảo vệ, song việc bảo vệ cho được quyền lợi của NTD là điều không đơn giản.

Ở nhiều nước, các hiệp hội, hội bảo vệ NTD hoạt động rất mạnh. Thông qua đấu tranh, bảo vệ NTD, các hiệp hội có quyền lực rất lớn, buộc nhiều tập đoàn, DN và cả cơ quan Chính phủ phải đáp ứng, thực hiện yêu cầu của NTD. Thậm chí, ở nhiều nước, DN coi quyền lực của NTD thông qua các hiệp hội đại diện lớn hơn các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt của cơ quan nhà nước.

Ở Việt Nam, hoạt động bảo vệ NTD cũng được Vinastas triển khai hình thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hệ thống này của Vinastas hằng năm đã xử lý hàng nghìn đơn thư NTD phản ánh, khiếu nại về chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, ở hầu hết các vụ việc lớn đều không thấy bóng dáng của Vinastas. Thậm chí trong vụ việc liên quan tới chất lượng nước mắm vừa rồi, Vinastas lại đẩy NTD rơi vào trạng thái rất tiêu cực vì thông tin của mình. Nói rộng hơn, sự quan tâm bảo vệ NTD dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương), trong năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết gần 2.000 trường hợp phản ánh của NTD. Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tiêu dùng chiếm tỷ lệ chủ yếu.

Cùng quan điểm, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Gần đây lại nổi lên tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi NTD.

Bảo vệ phải gắn với trách nhiệm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp, công cụ nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập được Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cấp tỉnh. Có tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới bảo vệ quyền lợi NTD xuống địa bàn cấp quận, huyện.

Một trong những điểm mới của chương trình là yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội xây dựng cơ chế phối hợp tham gia bảo vệ quyền lợi NTD và hỗ trợ kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...

Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD các cấp sẽ được trang bị một số công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan. Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD độc lập cũng sẽ được hỗ trợ để khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhằm cảnh báo cho NTD.

Đáng chú ý, vai trò của DN được quy định rõ thông qua việc đưa các chính sách, quy định về bảo vệ quyền lợi NTD vào chiến lược kinh doanh, xây dựng bộ phận chuyên trách và hệ thống tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại cho NTD tại DN... Ông Phan Thế Thắng nhận xét, bản thân các DN cần tự nhận thức sâu sắc việc bảo vệ quyền lợi NTD là nghĩa vụ, quyền lợi của mình. NTD cần tìm hiểu, sẵn sàng phản ánh tới cơ quan quản lý các trường hợp vi phạm quyền lợi NTD.

Cùng quan điểm, ông Sakai Toshifumi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, công tác bảo vệ quyền lợi NTD cần đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh hội nhập kinh tế, để NTD Việt Nam được bảo đảm lợi ích từ quá trình hội nhập của đất nước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thực tế vẫn còn một số tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại cho NTD, còn né tránh, trì hoãn, kéo dài thời gian.

Chính vì vậy, Chương trình bảo vệ NTD giai đoạn 2016-2020 vừa được phê duyệt sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, DN và nhận thức của NTD. Qua đó, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để người tiêu dùng bị bỏ rơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.