(HNMO) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội diễn ra ngày 24-6.
Buổi làm việc giữa Đoàn công tác thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội diễn ra ngày 24-6. |
Được biết, BV Tim Hà Nội là BV chuyên khoa hạng I, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được thành lập từ năm 2001 trên cơ sở tổ chức lại BV Hoàn Kiếm. Từ tháng 5/2005 đến nay, BV chính thức hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, hạch toán độc lập, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Quyết định số 3251/QĐ-UBND ngày 20/5/2005 của UBND TP Hà Nội.
Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, từ năm 2009 đến nay, BV đã tổ chức thực hiện 3 đề án xã hội hoá (XHH) với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hạng mục hiện đại hoá trang thiết bị máy móc như: Hệ thống chụp cộng hưởng từ và máy siêu âm, hệ thống trang thiết bị chẩn đoán và can thiệp tim mạch, hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT Scanner 64 kênh 128 lát cắt. Ngoài ra, BV còn chủ động vay vốn ngân hàng để nâng cấp cơ sở vật chất khu phòng mổ và hồi sức, tiếp tục đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, với tổng số vốn vay hơn 82 tỷ đồng. “BV Tim Hà Nội muốn tồn tại và phát triển được thì phải thay đổi chuyên môn, phát triển kỹ thuật cao. Chuyên môn cao là y đức tối cao của bác sĩ, chuyên môn cao để giành giật sự sống cho người bệnh và đây chính là điều mà người bệnh cần bác sĩ. Với cơ chế tự chủ cùng việc sử dụng công khai, minh bạch, khoa học nguồn vốn từ các đề án XHH, BV đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, không để người bệnh phải ra nước ngoài chữa trị. Mặt khác, BV cũng thu hút được nhân tài, tạo thu nhập ổn định cho cán bộ nhân viên, giúp người lao động yên tâm công tác, nhất là giúp họ nói không với phong bì”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Từ cơ sở vật chất ban đầu với 3 phòng khám (PK), đến nay, BV Tim Hà Nội trở thành trung tâm tim mạch hoàn chỉnh với 15 PK tại cơ sở I, 30 PK tại cơ sở II và đang tiếp tục sửa chữa để đưa vào sử dụng thêm 5 PK tại cơ sở I. Khu khám bệnh được bố trí liên hoàn cùng khu xét nghiệm, phòng cấp cứu, khu thanh toán viện phí. Trong giờ cao điểm, BV còn bố trí thêm nhân lực, bàn khám, bàn thu tiền giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Ngoài ra, BV đang quản lý hơn 6.000 bệnh nhân trong các chương trình quản lý và điều trị bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp có biến chứng, đái tháo đường, suy tim, bệnh tim sau can thiệp hoặc phẫu thuật, bệnh tim thiếu máu cục bộ…
Mặt khác, hoạt động khám chữa bệnh nội trú nâng cao cả về lượng và chất. Từ 3 khoa điều trị nội trú với 50 giường bệnh ban đầu, đến nay, BV đã có 12 khoa nội trú với gần 30 giường bệnh thực kê. Số lượng bệnh nhân nội trú và công suất sử dụng giường bệnh tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể, trước khi triển khai XHH, số bệnh nhân nội trú trung bình mỗi năm của BV vào khoảng 1.300 đến 1.500 bệnh nhân. Thế nhưng sau khi triển khai XHH, số bệnh nhân nội trú tăng lên từ 2.000-7.000 bệnh nhân/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân nội trú tăng mạnh. Năm 2015 là 7860 bệnh nhân nội trú và dự kiến trong năm 2016 ước tính hơn 11.000 bệnh nhân. BV cũng đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải. Trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật tim mở thành công tại BV nặng 2,6 kg và phẫu thuật tim kín là 1,4kg. Ngoài ra, một số trường hợp vỡ tim cũng được các y bác sĩ BV cấp cứu kịp thời và cứu sống thành công…
Nhờ những nỗ lực không ngừng, BV được Bộ Y tế tin tưởng chọn làm BV hạt nhân. Bên cạnh việc khám chữa bệnh điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân tim mạch trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận với phương châm “Vì một trái tim khỏe”, BV Tim Hà Nội đã tiến hành đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và giúp đỡ trên nhiều phương diện cho 35 tỉnh trên cả nước, góp phần ngày càng mở rộng và hoàn thiện hơn hệ thống khám chữa bệnh của chuyên khoa tim mạch ở các BV tuyến dưới.
Từ những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quang Tuấn mong muốn nhà nước có chính sách và hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho các BV thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư y tế, đồng thời giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt, thẩm định các dự án XHH nhằm tăng năng lực của BV về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn ngang tầm thế giới.
Nhận định về vấn đề XHH y tế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, qua làm việc với 8 BV công chính thức hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, hạch toán độc lập, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định 43/NĐ-CP nhận thấy sự tích cực, phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến và người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Thực tế đã có BV khi tiến hành XHH đã không tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, BV Tim Hà Nội là cơ sở tự chủ được đánh giá cao. Qua khảo sát các khoa, phòng tại BV, người bệnh đã có những nhận xét rất tốt về tinh thần phục vụ, thái độ làm việc của các y bác sĩ nơi đây. Mong rằng, BV tiếp tục nhận được sự quan tâm của thành phố để tương lai 5-10 năm tới, nơi đây không chỉ là Trung tâm tim mạch của cả nước mà còn vươn ra thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.