(HNM) - Hai tháng đầu năm, mặc dù giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng nhưng việc tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU… sụt giảm, hàng hóa mất dần sức cạnh tranh đang gây lo ngại cho các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012 phải giải quyết hàng loạt vấn đề không đơn giản.
Thị trường có nhiều bất ổn
Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo năm 2012 có khoảng 20% doanh nghiệp (DN) thủy sản trong nước có nguy cơ phải đóng cửa. Trong hai tháng vừa qua xuất khẩu, ngành thủy sản gặp khó khăn do thường xuyên thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phù hợp cho chế biến xuất khẩu nên các nhà máy chỉ hoạt động 40-60% công suất. Dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp, mặc dù bước vào vụ nuôi tôm mới nhưng đã có nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long tôm nuôi chết từ 30% đến 70% khiến cho nguồn nguyên liệu thiếu. Hơn nữa giá thu mua nguyên liệu tăng cao như giá cá tra nguyên liệu luôn ở mức 27.000-28.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu tăng không phải vì thị trường đã sôi động trở lại, mà do thiếu nguồn cung, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, khiến cho thị trường có nhiều bất ổn. Nhiều DN không có tiềm lực về vốn không thể trụ vững trước những biến động của thị trường.
Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Mai Vy |
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho rằng, thời gian qua thủy sản Việt Nam luôn bị cảnh báo về dư lượng tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Năm 2012, Việt Nam sẽ bị kiểm tra rất ngặt về chất lượng thủy sản của các cơ quan quản lý thực phẩm nước ngoài. Ngay tháng 2 vừa qua, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc sang thanh tra 28 cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị của nước ta xuất khẩu sang thị trường này. Tháng 5, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ cử một đoàn sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát ATTP đối với thủy sản nuôi và các cơ sở chế biến... Đến tháng 9, dự kiến EU sẽ cử 2 đoàn sang kiểm tra toàn bộ chuỗi từ nuôi trồng đến chế biến để kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành như EU chiếm trên 30%, Mỹ chiếm 20-25%... Nếu như DN và người dân không có biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đây sẽ là những rào cản cho mặt hàng này vào thị trường thế giới.
Xây dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm
Các chuyên gia thủy sản cho rằng, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012, các DN kinh doanh và chế biến thủy sản phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trước mắt, để hạn chế tình trạng thiếu nguyên liệu như hiện nay, thay vì các hộ nuôi nhỏ lẻ không kiểm soát được dịch bệnh, các ngành chức năng cần tập hợp và liên kết họ lại với nhau theo hình thức tổ sản xuất hay HTX. Khuyến khích các DN xây dựng phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ hay thông qua các hợp đồng liên kết nhằm giảm bớt rủi ro khi mua sản phẩm, tránh tình trạng nông dân phá hợp đồng khi giá nguyên liệu đang tăng cao như hiện nay. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn người dân nuôi tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất bảo đảm ATVSTP, nhất là môi trường ao nuôi để tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở mức thấp nhất. Nghiêm cấm sử dụng các loại chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2012 vẫn là năm chất lượng ATVSTP được đặt lên hàng đầu. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tiếp theo, các đơn vị của ngành thủy sản cần phải tăng cường kiểm tra chất lượng ATVSTP theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu thủy sản. Các DN phải cùng với Bộ NN&PTNT xây dựng uy tín với thị trường thế giới bằng chất lượng sản phẩm. Nghiêm cấm DN bán phá giá, các đơn vị của ngành sẽ tăng cường kiểm tra về chất lượng, phát hiện DN nào vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật, không để tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh" làm ảnh hưởng đến thương hiệu của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1 ước đạt 370 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2011, trong tháng 2 ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm 2012 lên khoảng 770 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2011. Theo nhận định của VASEP, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong hai tháng khả quan, song năm 2012 ngành thủy sản sẽ tăng trưởng chậm do nhu cầu từ thị trường chính là EU, Nhật Bản… giảm sức mua đến 20% so với các năm vì kinh tế khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.