(HNM) - Trên thực tế các DN vẫn lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trốn tránh việc ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn hoặc có thời hạn từ 3 tháng trở lên nhằm
Người lao động đang chịu thiệt
Cho đến nay việc nắm bắt, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH hiện chưa chặt chẽ nên khó có thể đưa ra con số chính xác có bao nhiêu NLĐ thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH (ký HĐLĐ từ 6 tháng trở lên) nhưng chưa đóng BHXH. Cơ quan BHXH hiện chỉ thu được tiền BHXH từ số LĐ mà các đơn vị, doanh nghiệp tự đăng ký. Nếu DN không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, trốn đóng BHXH, BHYT cho người LĐ thì cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Quy định người LĐ làm thời vụ, LĐ được ký hợp đồng từ 3-6 tháng không được tham gia BHXH đã tạo kẽ hở để chủ sử dụng LĐ lách luật, trốn thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách chỉ ký các hợp đồng thời vụ hoặc thử việc. Kết quả thanh tra gần đây nhất ở 100 đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện có khoảng 1.100 LĐ không được đóng BHXH nên DN được hưởng lợi một khoản tiền khá lớn từ việc không phải đóng BHXH (17%), BHYT (3%) và 1% BH thất nghiệp cho người lao động. Hệ lụy của quy định này khiến NLĐ phải tự lo hết tất cả các rủi ro khi ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi LĐ… đồng thời tạo áp lực nặng nề cho an sinh xã hội…
Cách tiếp cận mới: Hay nhưng vẫn lo…
Từ thực tế trên, trong quá trình lấy ý kiến để sửa đổi Bộ luật Lao động, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc nên thay đổi cách đóng BH theo hướng mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Thay vì căn cứ vào thời hạn trong HĐLĐ như hiện nay, cứ sử dụng LĐ là ký kết HĐLĐ; người sử dụng LĐ, NLĐ đều phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm. Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, HĐLĐ là sự thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên, thể hiện kết quả "thuận mua, vừa bán", hàng hóa là sức LĐ nên việc quy định thời hạn của hợp đồng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người sử dụng LĐ và NLĐ chứ không phải phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng tán thành với hướng tiếp cận trên. Ông Đặng Như Lợi cho rằng, tiền công thực hiện công việc nhất thời giữa các cá nhân với nhau sẽ được khoán trong đó cả BHXH, bảo hộ LĐ… nhưng với một công việc có tính chất ổn định, thực hiện cho một tổ chức sản xuất và doanh nghiệp thì không thể khoán gọn tất cả như vậy mà phải tách bạch giữa tiền lương và các khoản khác do chủ sử dụng và NLĐ cùng cộng đồng trách nhiệm, trong đó có BHXH, BHYT... Hơn nữa, nếu nhận thấy vai trò của BHXH - một khoản lớn, chiếm tới 17%, cao gấp nhiều lần so với các loại BH khác sẽ thấy NLĐ tham gia BHXH ngay khi đặt bút ký HĐLĐ là hợp lý và cần thiết. "Càng nhiều NLĐ không được tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí sau này thì an sinh xã hội sẽ phải gánh đủ những sức ép nặng nề khi họ không đủ sức LĐ hoặc đã hết tuổi LĐ" - ông Lợi khẳng định.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động VN đã từng đề nghị cần có sự phối hợp giữa cơ quan thuế và BHXH, bởi DN có thể dễ dàng "qua mặt" BHXH để trốn đóng nhưng với cơ quan thuế thì không vì DN không thể loại bỏ khoản chi phí tiền lương, thu nhập của NLĐ ra khỏi danh mục chi phí hợp lý khi tính thuế tại DN. Luật sư Phạm Thanh Tùng (đoàn Luật sư HN) cho rằng nếu chỉ xem việc trốn đóng BHXH chỉ là những vi phạm hành chính như hiện nay vẫn sẽ tồn tại hiện tượng trốn đóng. Phải xem đó là vi phạm hình sự để có chế tài kiên quyết hơn bởi đây là hành vi trục lợi, thất thoát của Nhà nước. Còn theo ông Đặng Như Lợi, hiện nay khâu thực thi pháp luật rất kém nên dù có thay đổi phương thức mới, có lợi cho NLĐ và xã hội nhưng nếu không thay thế các hình thức xử lý đi kèm mà cứ để tình trạng phạt như không thì sớm hay muộn cũng sẽ tái hiện tình trạng DN chây ỳ đóng BHXH, BHYT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.