(HNM) - Thông thường, với mỗi sự việc, sự kiện và từng câu chuyện cụ thể, cơ hội đều đi đôi với thách thức như hai mặt của một vấn đề. Cơ hội lớn sẽ đặt ra những thách thức lớn. Và nếu không vượt qua được thách thức, trở ngại thì cơ hội cũng mất đi ý nghĩa bởi không mang lại được lợi ích, hiệu quả trong đời sống xã hội. Bởi lẽ đó, nếu có mặt tham dự hội thảo "Cơ hội và thách thức khi hội nhập ASEAN về giáo dục nghề nghiệp" tổ chức sáng 18-1 tại Hà Nội thì nỗi lo xuất hiện nhiều hơn niềm vui và sự kỳ vọng.
Theo TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH), hiện các doanh nghiệp trong khu vực 10 nước ASEAN đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này nói thẳng ra, so với các nước ASEAN, nỗi lo của Việt Nam lớn hơn rất nhiều, vì rằng nhiều năm qua lợi thế cạnh tranh của chúng ta chủ yếu là lao động giá rẻ. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tý, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 38,5%. Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh vì ngay cả nguồn nhân lực được đào tạo, kỹ năng của người lao động cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chuyện cử nhân tốt nghiệp đại học ra công tác, các đơn vị, doanh nghiệp phải đào tạo lại là… bình thường. Thế nên, như con số của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đưa ra, khoảng 60% số người đang tìm việc hiện nay có bằng cử nhân, thạc sĩ. Điều đó cho thấy Cung và Cầu nguồn lao động của chúng ta không gặp nhau, nói cách khác là ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu thị trường. Người vẫn thừa, cả nhân lực được đào tạo nhưng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn khó trong tuyển dụng.
Lại có ý kiến cho rằng, là do chúng ta không nắm vững thị trường, còn nhiều yếu kém trong cách thức đào tạo lao động. Cũng chưa hẳn là vậy, dẫn chứng là tại các cuộc thi tay nghề ASEAN, lao động Việt Nam thường đạt thứ hạng khá cao. Mới đây nhất, trong cuộc thi tay nghề ASEAN tổ chức cuối năm 2014 tại Hà Nội, đội Việt Nam đã giành giải nhất. Như vậy ta mới chỉ giỏi trong huấn luyện đi thi chứ chưa giỏi khi đưa những kỹ năng đào tạo giúp người lao động thích nghi với yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế.
Một khía cạnh khác, chất lượng của lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; năng suất lao động thấp, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Những vấn đề nêu trên, có những chuyện là do bản thân người lao động nhưng phần nhiều là do những hạn chế trong việc hoạch định chính sách đào tạo nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước.
Từ ngày 31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành với quy mô hơn 600 triệu dân, GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Mặc dù chưa có các tiêu chuẩn thống nhất trong khối ASEAN nhưng chắc chắn đây phải là thị trường của những người có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp được các nước ASEAN công nhận. Để làm việc tại các quốc gia thành viên ASEAN, người lao động trong 8 ngành nghề (kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, y tá, điều dưỡng, vận chuyển và dịch vụ) phải thỏa mãn các điều kiện về bằng cấp, giấy phép hành nghề của quốc gia mình và quốc gia mong muốn đến làm việc cũng như những yêu cầu về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn.
Với mức độ lành nghề và tính chuyên nghiệp như phân tích, đánh giá trong hội thảo nêu trên thì e rằng điệp khúc "thua trên sân nhà" sẽ là hiện thực nếu chúng ta không kịp thời có giải pháp khắc phục những điểm yếu tồn tại trong nhiều năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.