Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để cát tặc lộng hành!

Nhóm phóng viên| 28/09/2015 06:34

(HNM) - Việc khai thác cát diễn ra ngang nhiên, ồ ạt giữa ban ngày, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân.


Cát tặc đe dọa người thi hành công vụ

Những chiếc sà lan chở vài trăm khối cát dập dềnh giữa bốn bề sông nước, hàng chục chiếc tàu lớn nhỏ sẵn sàng túc trực bên hệ thống máy móc hoạt động hết công suất, mỗi tàu từ 100 đến 300m3 cát nối đuôi nhau ngược xuôi. Giá bán tại chỗ là 40.000 đồng/m3, với hoạt động rầm rộ như vậy, lượng cát khai thác có thể lên tới vài trăm ngàn khối cát/ngày, việc kiếm tiền tỷ với các chủ tàu này không khó và đồng tiền dễ kiếm khiến con người ta càng dễ manh động. Thuyền cập địa phận bãi nổi Minh Châu, thay vì chào khách, ông T. thở dài: "Cách đây vài tháng, bãi nổi này không có dấu hiệu sạt lở, nhưng do lượng tàu khai thác lớn, rầm rộ kéo dài hàng ki lô mét nên khu vực bãi nổi xã Minh Châu đã bị sạt sâu từ 100 đến 300m. Nếu cảnh này không chấm dứt, chỉ vài tháng nữa bãi bồi sẽ biến mất, kế sinh nhai của cả trăm hộ dân chúng tôi cũng trôi theo hà bá...".

Nhiều tàu hút cát hoạt động trái phép trên Sông Hồng, địa bàn huyện Ba Vì.


Tại bãi Minh Châu, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Chanh đang chăm sóc hơn 1 mẫu chuối, chị than thở: Nhà em lo quá, sạt lở chỉ còn cách vườn hơn trăm mét, với tốc độ khai thác này, không biết có giữ nổi vườn chuối nữa không. Ba sào cây ăn quả trồng cam Canh, bưởi Diễn, đầu tư cả trăm triệu, vừa bước vào năm thứ ba chuẩn bị cho quả bói cũng đang nguy cơ… trôi theo nước Sông Hồng. Các hộ dân ở đây chỉ biết viết đơn lên xã kiến nghị vì chẳng có nhiều người để kéo ra tranh đấu, xua đuổi cát tặc như ở nơi khác. Vào những ngày cuối tuần, có cả chục tàu hút cát chen chúc, đèn điện sáng choang như một công trường thi công rầm rộ trên khúc Sông Hồng khu vực xã Minh Châu và cả bên kia bờ sông - xã Đông Quang. Tiếng máy móc gầm rú ầm ĩ suốt cả ngày lẫn đêm. Dân vùng bãi chẳng được trọn vẹn giấc ngủ. Khi biết có nhà báo tới, nhiều hộ dân khác kéo đến nhà chị Chanh chung nỗi niềm bức xúc, lo âu. Với kiểu khai thác vô tội vạ như hiện nay thì hàng chục mẫu hoa màu vun xới bao năm của họ chắc chắn sẽ
đổ xuống sông. Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Công Thành cho biết: "Trước kiến nghị của dân, xã thành lập đoàn kiểm tra. Có chủ tàu là người xã Chu Minh, cũng có chủ tàu là người địa phương, nhưng khi lập biên bản, họ không ký, nên chính quyền khó xử lý"(?).

Bên kia bờ Sông Hồng là địa bàn xã Đông Quang, từ cuối năm 2014 đến nay người dân nơi đây cũng chung nỗi lo lở kè, mất nhà vì nạn khai thác cát trái phép. Theo phản ánh của người dân ở xóm Cao Độ, thôn Cao Cương (xã Đông Quang), có tới gần chục con tàu hút cát tự chế, mỗi tàu hút đến 200m3/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thì chân kè Đông Quang rất dễ bị lún sụt, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân vì nhà ở chỉ cách bờ kè 5-10m. Quá bức xúc trước vấn nạn cát tặc, người dân Đông Quang gửi đơn tới chính quyền địa phương. Khi tổ công tác của xã lên tàu kiểm tra, chủ tàu đẩy bỏ thuyền của lực lượng chức năng, đồng thời có lời lẽ đe dọa và cho tàu chở cát chạy thẳng về phía cảng Sơn Tây, mang theo các thành viên tổ công tác xã Đông Quang… Trước sự bất lực của chính quyền do lực lượng quá mỏng, đêm đêm, khi các tàu chở cát neo đậu ven bờ, nối đuôi nhau chờ tàu hút cát thì người dân Đông Quang kéo nhau ra bờ sông đốt đuốc, gõ thùng, trống ầm ĩ, gào hét đuổi tàu…

Hàng chục tỷ đồng sẽ bị đổ xuống sông

Người dân đã gắn bó với vùng bãi nổi trăm năm có lẻ, làng mạc đã hình thành, trẻ con sinh ra và lớn lên, lập gia đình tìm kế sinh nhai cũng từ đó. Đến mùa nước lũ hằng năm, nguy cơ sạt làng, sụt bãi lại hiện hữu như một nỗi ám ảnh. Và năm nay, với kiểu khai thác cát vô tội vạ nêu trên, nỗi ám ảnh ngày càng lớn hơn. Theo lãnh đạo Chi cục Đê điều Hà Nội, nạn khai thác cát diễn ra trên địa bàn thành phố rất phức tạp, đặc biệt là ở huyện Ba Vì. Sau khi có ý kiến của nhân dân và thông tin phản ánh trên Báo Hànộimới về tình hình khai thác cát ồ ạt, tràn lan ở đây, đơn vị đã kiểm tra và xác định: Kè Chu Minh dài hơn 2km được xây dựng, thả đá hộ chân kiên cố 5-7m, có chỗ 10m. Từ năm 2010 đến nay, do chịu sự tác động thay đổi dòng chảy của lòng sông, do việc khai thác cát, mái kè đã bị nứt dài 15-20m, rộng 5-15cm. Kè Minh Châu dài 2,793km, chia làm hai đoạn, hiện một số vị trí mái, chân kè đoạn I có hiện tượng bị lún, sụt rất đáng lo ngại. Kè Đông Quang hộ chân bằng đá lăng thể, không lát mái, bờ sông là mái đất nên khi có mưa lớn, lũ to dễ gây sụt sạt bờ sông… Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi ki lô mét kè hộ chân, ngân sách thành phố phải bỏ ra 25-30 tỷ đồng. Nếu cứ tiếp tục buông lỏng, để cho các tàu hút cát tràn lan với công suất lớn như hiện nay, chắc chắn sẽ gây nguy cơ sạt lở kè và đất sản xuất của người dân, làm tốn kém hàng chục tỷ đồng của Nhà nước...

Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì, được biết: Ba Vì giáp ranh địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đấu tranh, xử lý tình trạng khai thác cát. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ba Vì đã tổ chức các đợt truy quét, xử lý, tạm giữ 12 tàu. Tuy nhiên, sau mỗi đợt truy quét, việc khai thác cát trái phép chỉ im ắng được một thời gian ngắn, rồi lại tiếp diễn. Các đối tượng chủ yếu hoạt động xa bờ hoặc khai thác cát lúc nửa đêm, khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đến nơi, họ tắt máy, dừng hoạt động nên không bắt được quả tang. Khó khăn nữa là Công an huyện không có phương tiện chuyên dụng, khi đi kiểm tra phải thuê tàu. Tâm lý nhiều chủ tàu ngại va chạm với cát tặc, sợ bị cát tặc trả thù nên không muốn cho thuê tàu. Ngoài ra, việc xử lý tạm giữ tàu cũng là một vấn đề, bởi Công an huyện không có người biết lái tàu. Khi đối tượng không chấp hành lái tàu về nơi neo đậu, thì lực lượng chức năng cũng không thể lái tàu về khu vực tạm giữ… Mặt khác, theo quy định, các tàu khai thác cát phải có thông tin cụ thể với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về thời gian thi công, số lượng phương tiện, thiết bị, nhân lực… Nhưng trên thực tế, khi lực lượng chức năng kiểm tra, hầu như các tàu đều trong tình trạng "vô chủ", chỉ có người làm công, không ai chịu ký biên bản. Việc các tàu khai thác cát ở Sông Hồng, khu vực xã Minh Châu, Đông Quang… đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Nhưng vì cát mang lại nhiều lợi nhuận, nên khi bị kiểm tra, xử phạt thì các đối tượng tạm nằm yên, khi lực lượng chức năng rút, họ lại tràn ra…

Một vấn đề đáng quan tâm là mặc dù Công an huyện Ba Vì đã xử lý một số trường hợp vi phạm, báo cáo các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp xử lý, nhưng trên thực tế, tình trạng khai thác cát hiện nay không những không giảm đi, mà các tàu, thuyền còn ngang nhiên thực hiện giữa ban ngày và ồn ã kéo dài từ 20h hôm trước đến 3h sáng hôm sau? Dư luận nhân dân địa phương đặt câu hỏi: Liệu có phải do lực lượng chức năng huyện Ba Vì mỏng, thiếu phương tiện, hay do công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng không chặt chẽ và các cấp chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nên không thể xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên trên Sông Hồng?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để cát tặc lộng hành!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.