Trong phiên thảo luận tại hội trường (Kỳ họp thứ tám, QH khóa XII) vừa qua về thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về những tồn tại đang đặt ra.
Vấn đề nổi lên là vẫn còn tồn tại xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn về cho người dân. Có thể thấy từ trước đến nay, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC đều do các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thực thi soạn thảo. Quy trình soạn thảo lại thường chỉ quan tâm đến sự đầy đủ, bảo đảm tính pháp lý, tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị chủ trì ban hành mà ít chú ý đến sự phiền phức, tốn kém của người dân gặp phải khi làm các thủ tục...
Tình trạng ban hành quy phạm pháp luật có quy định về TTHC như trên sẽ được chấm dứt nếu các cơ quan quản lý HCNN tuân thủ đầy đủ hướng dẫn đánh giá tác động quy định về TTHC dành cho các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC của Văn phòng Chính phủ mới đây. Trong quá trình phát triển, sẽ có các TTHC không còn phù hợp cần phải chỉnh sửa cũng như phát sinh các thủ tục mới. Vì vậy, việc kiểm soát TTHC, trong đó trọng tâm là đánh giá tác động của các quy định về TTHC sắp được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm duy trì và phát huy những lợi ích đã thu được từ Đề án 30 đối với xã hội, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh và các hoạt động xã hội khác. Đồng thời "bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành hoặc duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất" theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 1722/CT-TTg ngày 17-9-2010), thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.