Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn nơm nớp nỗi lo?

Hoàng Thu Vân| 02/06/2010 06:03

(HNM) - Sáng 1-6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Đây là dự án luật được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong 3 năm trở lại đây, theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm trung bình cả nước có trên 200 vụ việc với khoảng 5.500 người bị ngộ độc thực phẩm, tỷ lệ người tử vong là khoảng 1%.

Thảo luận về dự án Luật ATTP, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn, lo ngại. Theo đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đoàn Cần Thơ), Chính phủ cần sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy để có đủ năng lực và thẩm quyền quản lý về ATTP. Hiện lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của Việt Nam ở mỗi tỉnh là... 0,5 người, còn ở cấp huyện thì không có cơ quan chuyên môn và số người được phân công phụ trách lĩnh vực này trung bình là 0,9 người/huyện. Bình quân dân số một tỉnh là 1 triệu -1,5 triệu người, mỗi tỉnh thường quản lý từ 1.000 đến 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Còn với những thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, dân số gấp từ 4 đến 5 lần mức đó, còn số cơ sở phải quản lý cũng tăng theo ở mức độ tương ứng.

Tính ra lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP một năm có mặt ở các cơ sở phải quản lý một lần đã khó thì làm sao có thể kiểm tra, kiểm soát? Do đó, hiện nay công tác này vẫn diễn ra theo kiểu phong trào, nặng về hình thức, tập trung theo cao điểm, hay các dịp lễ tết, thậm chí lịch kiểm tra còn được báo trước hoặc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin... Dù vậy nhưng đáng ngạc nhiên là không lần kiểm tra nào không phát hiện các vi phạm. Điều đó cho thấy, những vi phạm pháp luật về lĩnh vực này là phổ biến và rất đáng báo động. Do đó, dù luật và các chế tài xử lý có đầy đủ đến đâu nhưng thiếu đội ngũ cán bộ thực thi thì những văn bản, quy định vẫn chỉ có hiệu quả trên giấy. Và việc phải bổ sung nhân lực, tăng chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này là yếu tố hàng đầu cần thực hiện. Với Trung Quốc, đội ngũ thanh tra chuyên ngành ATTP có tới 50.000 người, còn ở Thái Lan, riêng tại thủ đô Bangkok cũng có tới 5.000 thanh tra ATTP...

Mặt khác, dù đang thảo luận về dự án Luật ATTP, nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang: "Hiện đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (có hiệu lực từ ngày 1-7-2008), bên cạnh đó còn có hai pháp lệnh và 124 văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến ATTP. Tương tự như vậy, chế tài xử lý cũng không phải không đủ sức răn đe". Vậy nên, vấn đề ở đây là đội ngũ cán bộ thực thi công tác quản lý.

Chỉ phân tích một khía cạnh để thấy, ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội đều hy vọng Luật ATTP ra đời sẽ nhanh chóng khắc phục được những lỗ hổng, thống nhất cách thức quản lý trong phạm vi toàn quốc, xác định rõ trách nhiệm liên quan của các bộ, ngành và từng cá nhân đối với vấn đề này... Có như vậy miếng ăn, miếng uống mới không còn là mối lo nơm nớp như hiện nay. Đừng để tái diễn tình trạng có quá nhiều sự chồng chéo, quá nhiều ngành cùng có trách nhiệm, nhưng cuối cùng thì ATTP vẫn ngoài tầm kiểm soát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không còn nơm nớp nỗi lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.