(HNM) - Sự cố rơi dầm tại cầu gói thầu 3A cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm vào ngày 18-4 đang được khẩn trương khắc phục. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng sự cố này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình tai nạn lao động tại các công trường xây dựng giao thông.
Sự cố sập nhịp cầu cạn Pháp Vân xảy ra trưa 18-4-2010. |
Lỗi thuộc về nhà thầu
Tai nạn lao động là điều không ai muốn, bởi nếu xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, thiệt hại về tài sản mà nhiều gia đình còn mất đi trụ cột lao động. Hẳn dư luận chưa thể quên vụ tai nạn thảm khốc sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ xảy ra ngày 26-9-2007, làm 54 người chết, 80 người bị thương. Đây là một trong những vụ tai nạn lao động đau buồn nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường Việt Nam cũng như thế giới. Tưởng như sau vụ tai nạn đáng tiếc này, tình hình sẽ được cải thiện, nhưng đầu năm 2009 liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng khi thi công cầu, làm 6 người thiệt mạng, tại công trường cầu Chợ Đệm (TP Hồ Chí Minh) và cầu Trà Ôn (Vĩnh Long). So với tai nạn giao thông, số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn lao động này kém xa, nhưng lại hết sức thương tâm, khiến dư luận bức xúc…
Để xảy ra tai nạn lao động, lỗi trước hết thuộc về đơn vị trực tiếp thi công đã không thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn hoặc tuyển dụng, sử dụng lao động mà không qua đào tạo, huấn luyện an toàn. Còn nhớ, cách đây chừng một năm, sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, Bộ GTVT đã phải tổ chức hội nghị về an toàn lao động và chỉ rõ nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn lao động có dấu hiệu tăng là công tác này ở một số nơi chưa quan tâm, chú trọng đúng mức. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, sau khi Bộ GTVT có văn bản số 2868/2009/BGTVT-TCCB và 2119/2009/BGTVT-QLXD về tăng cường công tác bảo hộ và an toàn lao động, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã chú ý tới công tác này. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, việc tuân thủ chỉ dẫn vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến sự cố. Được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn lao động là chi phí cho bảo hộ bị cắt giảm thấp để tăng lãi. Đó là chưa kể, một số tổng công ty lớn đứng ra bỏ thầu dự án rồi "cắt" việc cho các công ty con mà thiếu sự kiểm tra, giám sát sát sao về an toàn. Điều này dẫn đến tình trạng sử dụng thiết bị cũ, thợ không đúng cấp bậc, chức danh công việc cùng non kém trong thiết kế phương án, tổ chức thi công tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát?
Khi xảy ra tai nạn lao động, không thể bỏ qua trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát. Nếu như nhà thầu chủ quan, cắt giảm chi phí cho bảo hộ thì chủ đầu tư, tư vấn, giám sát cũng thiếu trách nhiệm, khoán trắng cho nhà thầu. Xin nhắc lại hội nghị về an toàn lao động do Bộ GTVT tổ chức cách đây chừng 1 năm, đại diện một số ban quản lý dự án lớn của Bộ này thậm chí còn không cử đại diện tham dự, trong đó có Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư 2 dự án xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng (sập cầu dẫn cầu Cần Thơ và cầu Chợ Đệm). Trở lại sự rơi dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm mới đây, việc gác dầm đã được Công ty Cầu 7 Thăng Long thực hiện nhiều tháng, nhưng chưa hàn gắn theo quy định. Liên danh tư vấn, giám sát đã liên tục có văn bản nhắc nhở, cảnh báo nguy cơ tai nạn. Có văn bản nhắc nhở là tốt, nhưng đáng tiếc, cơ quan này và cả chủ đầu tư đã không chỉ đạo quyết liệt, nghiêm khắc nên để xảy ra tai nạn. Nếu các cơ quan giám sát thực hiện hết trách nhiệm của mình, chắc chắn đã không xảy ra sự cố rơi dầm đáng tiếc. Nhắc lại và phân tích nguyên nhân một số vụ việc là để hy vọng số vụ tai nạn lao động sẽ được giảm đến mức tối thiểu. Nếu tiếp tục xem nhẹ, tai nạn thảm khốc sẽ gia tăng, không còn ở dạng nguy cơ tiềm ẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.