(HNM) - Hà Nội có 188,6 nghìn héc ta đất nông nghiệp, chiếm khoảng 57% diện tích đất tự nhiên, với không ít sản phẩm được coi là đặc sản, đã khẳng định thương hiệu như: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), rau cần Khai Thái (huyện Phú Xuyên), gạo Bồ nâu Thanh Văn (huyện Thanh Oai)...
Thế mạnh nông sản của Hà Nội tiếp tục được khai thác, gia tăng giá trị khi những năm qua, ngành Nông nghiệp thành phố đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch, định hướng phát triển thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hàng nghìn héc ta. Có quy hoạch, có định hướng, có chính sách hỗ trợ của thành phố, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, không chỉ giữ được giá trị riêng có của sản phẩm mà còn từng bước nâng cao năng suất, sản lượng.
Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được kiểm soát theo những quy trình tiên tiến, từ khâu lựa chọn con giống, cây giống, gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch; được kết nối với một số đơn vị phân phối lớn để bảo đảm rõ nguồn gốc và an toàn sử dụng khi đến tay người tiêu dùng. Không chỉ vậy, một số sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, thông qua các doanh nghiệp xuất sang các thị trường quốc tế, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ cũng như giá trị sản phẩm cho nông dân, như nhãn Đại Thành hồi tháng 8 vừa qua là một ví dụ.
Hướng phát triển cũng như thế mạnh của nông nghiệp Thủ đô đã rõ. Song, để có nhiều hơn những sản phẩm chất lượng, có giá trị cạnh tranh cao, có thể chiếm lĩnh thị trường, trước hết là thị trường Thủ đô, ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi thực tế, với diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn và sau quá trình dài với nhiều chính sách quản lý khác nhau nên tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn ở nhiều nơi. Trong khi, nông dân thiếu kỹ năng, kiến thức cần thiết để áp dụng phương thức sản xuất mới, phù hợp với yêu cầu thị trường.
Mặt khác, để gây dựng được thương hiệu cho nông sản - yếu tố quan trọng để sản phẩm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và mang lại giá trị cao, lại đòi hỏi nông sản phải đáp ứng được các tiêu chí như sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều, an toàn thực phẩm... điều rất khó thực hiện với cách thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đây cũng là lý do khiến một số sản phẩm đặc sản của Hà Nội, mặc dù đã định vị thương hiệu nhưng chưa tìm được vị trí tương xứng trên thị trường.
Để khắc phục, trước hết ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục bám sát quy hoạch nông nghiệp Thủ đô đã được phê duyệt, trên cơ sở định hướng phát triển của thành phố để chọn lựa sản phẩm thế mạnh, kết nối các hộ dân nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung. Từ đó hướng dẫn nông dân lựa chọn giống, áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, có chỉ dẫn nguồn gốc rõ ràng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ, kết nối nông dân với doanh nghiệp chế biến, phân phối. Một sản phẩm có thương hiệu được tiêu thụ tại hệ thống phân phối có thương hiệu, bảo đảm ổn định đầu ra sản phẩm sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất, có điều kiện ứng dụng kỹ thuật mới, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với người tiêu dùng, nhu cầu sử dụng nông sản sạch, nguồn gốc rõ ràng ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô phát triển. Vì thế, cần tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn thông qua các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại và nhiều kênh thông tin khác - nhất là thông qua mạng internet, để đông đảo người tiêu dùng biết nhiều hơn đến những nông sản có thế mạnh của Thủ đô.
Như vậy, xây dựng thương hiệu nông sản không còn là câu chuyện riêng của mỗi địa phương, của người nông dân mà là chiến lược phát triển nâng cao chuỗi giá trị, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.