(HNM) - Tràn lan biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm Luật Quảng cáo cũng như quy định về quản lý nhà nước có liên quan! Tình trạng này diễn ra tại tất cả địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Các biển hiệu, bảng quảng cáo có thể là những "công trình" độc lập (về vị trí mặt bằng, cách thức xây dựng...), cũng có thể gắn liền với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không chỉ gây mất mỹ quan nói chung - mỹ quan đô thị nói riêng, trong một số trường hợp, biển hiệu, bảng quảng cáo còn gián tiếp trở thành "thủ phạm" của những sự cố thương tâm hoặc khiến công tác cứu nạn, cứu hộ bị cản trở mà vụ hỏa hoạn tại cơ sở kinh doanh karaoke 68 - Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây là một ví dụ. Cũng cần nói thêm, do cần thu hút sự chú ý của công chúng nên vị trí của mỗi biển hiệu, bảng quảng cáo thường ở vị trí "đất vàng" như hành lang cao tốc, quốc lộ, các điểm giao cắt đông người qua lại khu vực đô thị...; cách trình bày, thông điệp rất bắt mắt... Vì thế, khi biển hiệu, bảng quảng cáo nhếch nhác, gãy đổ hay mất an toàn, thì hệ lụy của nó đối với đô thị càng không hề nhỏ.
Một quy chuẩn cho hoạt động biển hiệu, bảng quảng cáo tại những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... là tối cần thiết, không chỉ vì bảo đảm mỹ quan đô thị mà cao hơn, quan trọng hơn là giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn. Mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đặt ra bao hàm nội dung hết sức quan trọng này. Cùng với đó là những văn bản quan trọng khác như: Quy chế "Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội" do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 20-1-2016; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26-5-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô”...
Các văn bản này đều nhấn mạnh: Rà soát, sắp xếp lại hệ thống biển hiệu, quảng cáo rao vặt, quản lý vỉa hè, lòng đường là một nhiệm vụ quan trọng! Đồng thời cùng chỉ rõ những định hướng, tạo "khung" tiêu chuẩn đưa hoạt động lắp đặt, xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo đi vào quy củ. Thực tế, đây là vấn đề đã và đang được các sở, ngành, địa phương triển khai. Và liên tục trong những ngày vừa qua, các đoàn liên ngành đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở karaoke, vũ trường, dịch vụ văn hóa... mà một trong những nội dung trọng điểm là "nhắm" đến biển hiệu, bảng quảng cáo với tinh thần kiên quyết xử lý sai phạm. Để duy trì hiệu quả một cách ổn định, bền vững, tinh thần của đợt ra quân này cần được thấm vào hoạt động công tác thường nhật. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, nhất là phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó xử lý kịp thời, nghiêm minh sai phạm.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những vấn đề có "yếu tố tích lũy" (tồn tại nhiều năm) và cần giải pháp căn cơ. Đó là bài toán đặt ra đối với công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Một số ví dụ đáng để tham khảo, nhân rộng đó là việc quy hoạch và xây dựng hệ thống bảng biển quảng cáo trên tuyến phố mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hay việc xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo trên đường Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội)... Có thể khẳng định hiệu quả về mỹ quan, văn minh đô thị trên tuyến phố này thực sự rõ nét: Biển hiệu quảng cáo cũ nhếch nhác, tạm bợ không còn, thay vào đó là hệ thống biển hiệu, bảng quảng cáo theo mẫu, đồng bộ, hiện đại, quy củ.
Một đô thị không thể hướng tới hiện đại, văn minh nếu vẫn tồn tại những "chi tiết" lộn xộn, rườm rà. Chấn chỉnh hoạt động lắp đặt, xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo vì vậy không thể xem là "chuyện nhỏ" và không còn là "chuyện nhỏ"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.