(HNM) - Bàn đến những vấn đề to tát mà bắt đầu từ câu chuyện về chiếc áo ngực của chị em nghe ra có vẻ khập khiễng, thiếu nghiêm túc. Nhưng xin thưa, từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy đã bộc lộ không ít vấn đề.
Chuyện chiếc áo ngực của chị em có chứa chất lạ bên trong đã um xùm đến cả chục ngày nay, các lực lượng chức năng mải miết kiểm tra, thu giữ những sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên cho tới thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng, đưa ra kết luận chính thức xem những chất lạ này có độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của chị em hay không? Còn việc các sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường, chỉ cần để ý đôi chút có thể thấy lực lượng chức năng khó lòng kiểm soát, thu giữ. Từ đồ chơi của trẻ em, mỹ phẩm, các loại gia vị… cho đến mũ bảo hiểm, thịt gia súc, gia cầm…
Các cơ quan quản lý cũng từng đưa ra nhiều biện pháp như siết chặt kiểm tra chất lượng, dán tem hàng nhập khẩu hoặc dán tem theo đúng quy chuẩn Việt Nam… Thậm chí có những biện pháp không khả thi hoặc không thể thực hiện được nên một số văn bản có "tuổi thọ" rất ngắn. Ví dụ rõ nét nhất là việc dán tem các màu sắc để nhận biết về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hàng, quán bán đồ ăn uống. Chả có hàng quán nào tự dán trước cửa hàng loại tem kiểm tra đưa ra kết luận những "sản phẩm" của mình làm ra không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hay gần đây nhất là chuyện nguồn gốc trứng gia cầm hay giới hạn thời gian bán thịt sống và phụ phẩm trong 8 giờ…
Điều đó có nghĩa là việc kiểm tra thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc là nhằm giải quyết vấn đề trấn an tư tưởng cho xã hội và lấy "phòng ngừa" - thu thừa còn hơn bỏ sót là chính, chứ không làm rõ được bản chất của vấn đề, tức là tác hại khi sử dụng những sản phẩm đó. Thêm nữa, nhiều biện pháp đặt ra nhằm kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng rất thiếu thực tế dẫn đến hiệu quả thấp hoặc không khả thi khi triển khai.
Những "chất lạ" trong chiếc áo ngực cụ thể là gì, bao giờ có câu trả lời chẳng lẽ lại khó khăn đến thế? Tương tự như vậy, việc hàng loạt xe cộ đùng đùng bốc cháy hay chuyện bệnh lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi, trước đó, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc nhưng câu trả lời có sức thuyết phục đối với dư luận thì giờ đây vẫn còn đang "mắc nợ". Trong khi đó, như phân tích của các đại biểu dân cử tại diễn đàn Quốc hội thì hiện có quá nhiều lĩnh vực có sự chồng chéo chức năng quản lý. Điều đó dẫn đến nhiều ngành cùng có trách nhiệm, nhưng để quy kết trách nhiệm cụ thể cho ai, ngành nào thì lại không đơn giản. Và "quả bóng" trách nhiệm cứ được đẩy qua đẩy lại rồi cuối cùng là… hòa cả làng.
Một khía cạnh khác từ chuyện chiếc áo ngực là khả năng tiếp cận thị trường nội địa của các DN Việt Nam. Với dân số hơn 80 triệu người trong đó hơn 50% là nữ - nhưng một thị trường đầy tiềm năng như vậy mà hàng của chúng ta không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập lậu cũng là điều đáng suy nghĩ. Và nên nhớ rằng không chỉ có vậy, từ cái bát, đôi đũa… thậm chí đến cái tăm - tức là những sản phẩm không hẳn đòi hỏi phải đầu tư công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất cao cấp… nhưng hàng ngoại vẫn lấn át hàng nội, và một số tiền không nhỏ của người dân Việt Nam đã nuôi sống nhiều DN nước ngoài. Một quốc gia không có nền sản xuất hàng hóa mạnh, đủ sức thuyết phục thị trường của chính nước mình thì nghèo là điều không thể tránh khỏi.
Từ chuyện… chiếc áo nhỏ của phụ nữ, vài vấn đề nêu trên chắc chắn không thể coi là nhỏ nhặt. Và đó chính là lực cản sự phát triển của đất nước nên cần phải nhanh chóng loại bỏ từ ý thức, tư duy đến biện pháp tổ chức, điều hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.