Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có vùng cấm trong chống tham nhũng

Hà Phong| 07/12/2014 06:06

(HNM) - Trọn ngày 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã lần lượt tiếp xúc cử tri 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Vấn đề được cử tri các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình đặc biệt quan tâm là việc thu hồi nhà, đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cử tri Nông Quang Lập (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) nhận xét, vụ việc ông Trần Văn Truyền cho thấy những người có chức quyền chưa thực sự chống tham nhũng. Ông Lập đề nghị kiểm tra hơn 60 trường hợp bổ nhiệm trước khi ông Truyền nghỉ hưu. Cử tri Nguyễn Minh Trung (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) thẳng thắn nêu vấn đề: Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ về khối tài sản khủng và biện pháp xử lý đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, dư luận đặt câu hỏi còn bao nhiêu ông "Trần Văn Truyền" nữa? Mặt khác, mức đề xuất xử lý dường như chỉ mang tính rút kinh nghiệm là chính.

Đồng tình với quan điểm đẩy mạnh chống tham nhũng, cử tri Lại Phú Lê (phường Bưởi, quận Tây Hồ) kiến nghị: Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, không để cán bộ có tư tưởng về hưu là hạ cánh an toàn. Ông Lại Phú Lê cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan đã "tạo điều kiện thuận lợi" để ông Truyền vi phạm. "Một quan chức như ông Truyền, vốn dĩ "có điều kiện" hơn dân thường, lại làm đơn bày tỏ hoàn cảnh khó khăn để từ xin thuê tới xin mua nhà đất đều được các cấp có thẩm quyền đồng ý. Trách nhiệm này thuộc về ai cần làm rõ" - ông Lại Phú Lê kiến nghị.

Cũng trong chương trình tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm bày tỏ đồng tình cao với phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến Biển Đông. Các chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn các bộ trưởng cũng đã nói lên được quyết tâm chung của Chính phủ là phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, tư pháp, đặc biệt là nhiệm vụ của năm 2015. Một số ý kiến băn khoăn về công tác tinh giản biên chế, sinh viên ra trường không có việc làm, hàng giả hàng nhái tràn lan… Cử tri Vũ Duy Hà (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm đã có hiệu quả tích cực để những người được tín nhiệm cao có thêm động lực làm tốt hơn nhiệm vụ của mình; những người tín nhiệm chưa cao thì cần phải nỗ lực, cố gắng hơn. Ông Vũ Duy Hà đề nghị chỉ nên để 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" và cho rằng đó là cách thức tốt nhất để đánh giá đúng hiệu quả, chất lượng công việc của người được lấy phiếu.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không khoan nhượng, không có "vùng cấm" đối với chống tham nhũng. Tổng Bí thư cho biết, Đảng đã có chủ trương chống tham nhũng từ năm 1994, chứ không phải đến thời điểm hiện tại mới khẳng định tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của tham nhũng. Thái độ của Đảng là kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tổng Bí thư khẳng định vụ việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có kết luận và đã báo cáo công khai. Đến nay, Ủy ban Kiểm tra TƯ đang tiến hành các bước tiếp theo, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre đã thu hồi những căn nhà có sai phạm của ông Truyền, tuy nhiên việc xử lý hơi lâu. "Tôi mong muốn cử tri bình tĩnh, tỉnh táo vì phải có thời gian để làm sáng tỏ sự việc. Cũng đừng từ một vụ việc mà lại suy ra nhiều mặt, cho rằng cả hệ thống "trục trặc" là không phải" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Về vấn đề Biển Đông, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là vấn đề lớn, phải làm chặt chẽ, khôn khéo, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Các nước hoan nghênh, đánh giá cao cách xử lý bình tĩnh, tỉnh táo của Việt Nam. Chia sẻ với cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là chính xác, khách quan. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức là để thăm dò tín nhiệm, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe cán bộ. Việc đã được các cơ quan chức năng bàn bạc cẩn trọng, nhiều lần. 81% đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua phương án này. Còn bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành khi kết quả lấy phiếu quá thấp, khi đó sẽ chỉ có 2 mức đánh giá. "Khi đã bỏ phiếu thì nghĩa là đưa ra quyết định để chức danh đó làm tiếp hay không, với xu thế bãi miễn. Tới đây, cùng với văn hóa từ chức, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, tinh thần tự giác của cán bộ sẽ được tăng cao" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không có vùng cấm trong chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.