(HNMO)- Chiều 20-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận mở đầu phiên trả lời chất vấn về một số vấn đề liên quan đến đào tạo và chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức…
Về vấn nạn “bằng giả, mua bán bằng cấp”, Bộ trưởng khẳng định thời gian qua cơ quan CA phát hiện nhiều vụ việc. Tuy nhiên, chưa phát hiện vụ nào do các nhà trường tổ chức bán bằng giả mà là “việc ngoài xã hội”, có sự tham gia của một số thầy cô giáo biến chất.
Gần đây Cục Xuất nhập cảnh cũng đã phát hiện, thông báo khá nhiều bằng giả của các HS tốt nghiệp THPT làm để đi ra nước ngoài du lịch hoặc lao động xuất khẩu. Ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, điều tra, giúp phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng.
“Bộ cũng tham gia xác minh, kết luận, phát hiện khá nhiều trường hợp bằng cấp giả mạo, đồng thời xác minh, kết luận, bảo vệ được một số cán bộ của Đảng, hệ thống chính trị khỏi sự vu khống về sự dụng bằng giả” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. |
Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà trường và các sở GD-ĐT trong cả nước tiến hành công khai danh sách HS-SV của mình đã tốt nghiệp các hệ THPT, ĐH, CĐ, ThS, TS để các cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý có thể căn cứ vào thông tin trên mạng để đối chiếu.
Ngoài ra, Bộ cũng đang chỉ đạo xây dựng phần mềm công bố cho nhân dân có thể sử dụng để rà soát việc ăn cắp bản quyền, sao chép, ăn cắp luận án để xử lý triệt để “học giả, bằng thật” trong thực tế.
Trả lời câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh về việc thí sinh thi đạt 27,5 vẫn không đỗ vào ĐH Y trong khi các y bác sĩ về nông thôn còn thiếu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Bộ đã phân cấp cho các trường được tự chủ được quyết định điểm chuẩn trúng tuyển trên cơ sở điểm sàn. Do đó, Bộ không có quyền can thiệp. Khi nguồn tuyển vào ĐH Y có nhiều em giỏi, đạt đến 28, 29 điểm thì việc đạt 27 điểm mà không đỗ thì không có gì đáng ngạc nhiên”.
Các HS này cũng hoàn toàn có khả năng chọn vào các trường khác theo thông tin tuyển sinh cập nhật hàng ngày của Bộ và của các trường.
Về đào tạo nguồn nhân lực nói chung và y tế nói riêng cho các vùng khó khăn, Bộ đã có chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo dự bị cho các huyện nghèo, cho đối tượng khó khăn, đối tượng cần ưu tiên, đào tạo tại chỗ bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. “Chưa có cháu nào người dân tộc thiểu số được 27 điểm mà trượt, không vào được trường y” - Bộ trưởng khẳng định.
Tiếp theo phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình có phần trả lời ngắn gọn các chất vấn của một vài ĐB trong chiều nay về biên chế “chỗ dày chỗ mỏng” cũng như chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
ĐB Trương Minh Hoàng chuyển các ý kiến của cử tri đến Bộ trưởng về “thái độ, năng lực của cán bộ công chức, viên chức Nhà nước đang gây bức xúc cho xã hội. Hầu như công dân nào khi đến cơ quan công quyền từ xã đến TƯ cũng chưa được hài lòng. Khó có thể tin được biên chế thì tăng nhưng chất lượng thì giảm xuống”.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thực nhận trong thực tế có diễn biến như vậy. Bộ trưởng đưa ra giải pháp về giáo dục, thanh tra kiểm tra và đặc biệt là tăng cường Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ công chức tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ năng lực; xây dựng tư tưởng hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin, truyền thông Nguyễn Bắc Son sẽ tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chiều nay, với các nhóm nội dung chính về việc quản lý các trang thông tin điện tử, nội dung thông tin điện tử, giải pháp phát triển thị trường viễn thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.