(HNM) - Trang web www.sleepinginairports.net chuyên về hàng không mới đây đã xếp hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thuộc loại 10 sân bay tồi tệ nhất Châu Á, dựa trên sự bình chọn của du khách về tiện nghi, trang bị, độ thoải mái, mức độ vệ sinh, chất lượng dịch vụ…
Việc trang web nói trên phơi bày mặt xấu của hai sân bay được xem là lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, rõ ràng đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của ngành hàng không nước nhà, vì thế rõ ràng là chuyện động trời. Cũng bởi thế, gần như ngay lập tức, Cục Hàng không Việt Nam đã có phản ứng gay gắt trở lại. Theo Cục này, sự bình chọn của trang web nói trên là thiếu khách quan, không đáng tin cậy vì đó không phải là của một tổ chức chuyên môn; và sự xếp hạng sân bay thuần túy dựa vào đánh giá của khách hàng "chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan về chất lượng dịch vụ" hai cảng hàng không lớn nhất của Việt Nam; chưa đánh giá hết được những cố gắng và đổi mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ ở hai cảng hàng không này…
Không bằng lòng với cách phản ứng đó, đã có khá nhiều phản hồi ồn ào trên các trang mạng xã hội Việt Nam, trong đó có cả ý kiến của các chuyên gia ngành hàng không. Không ít người, dù đứng ngoài cuộc tranh luận nhưng cũng cảm thấy buồn lòng cho cách trả lời của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Đã tưởng gần đây lãnh đạo ngành giao thông vận tải đã công khai nhiều yếu kém, khuyết điểm ở các cảng hàng không về việc phục vụ hành khách, tức đã có sự chuyển biến nhất định trong ngành, nhưng có lẽ không phải vậy. Thói quen bất chấp dư luận, không nhìn thẳng vào sự thật, cho rằng mình đúng, mình đang tiến bộ từng ăn sâu trong cung cách quản lý, đánh giá thực trạng một thời vẫn chưa chịu rời bỏ trong tư duy của khá nhiều cán bộ nhà nước. Đã đành Nhà nước đang có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ hàng không, đã đành việc công khai những yếu kém dù ít dù nhiều cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch và giao thông vận tải, thế nhưng nếu không công khai những mặt yếu kém để sửa thì tác hại còn lớn hơn.
"Không có lửa - làm sao có khói", bởi có một thực tế ai cũng thấy là từ hàng chục năm nay, do độc quyền, không ai lên tiếng nên chất lượng phục vụ, tiện nghi, trang thiết bị ở các cảng hàng không ngày càng đi xuống. Các chuyến bay hủy chuyến, chậm giờ diễn ra ngày càng nhiều. Chất lượng phục vụ trên máy bay (bữa ăn, báo đọc, vệ sinh…) ngày càng giảm sút đã đành, ngay cả khi xuống đến sân bay, việc kiểm tra hải quan, lấy hành lý, kiểm tra hành lý, báo hành lý thất lạc, việc phục vụ người tàn tật và dịch vụ taxi lộn xộn… khiến các sân bay được xem là tiêu biểu, là diện mạo của không chỉ ngành hàng không Việt Nam ngày càng giống một ga đường sắt hoặc bến xe ô tô. Khổ hơn cả là những hành khách đi phải chờ lâu ở sân bay do hủy chuyến, chậm chuyến. Tiện nghi thiếu, hướng dẫn thiếu, thủ tục rườm rà, vệ sinh kém, môi trường ồn ào, trộm cắp trà trộn gây tâm lý bất an. Nhất là các hàng quán trong sân bay được ví như "máy chém" từ bát mì, bát phở, ly cà phê, chai nước uống đều đắt hơn bên ngoài từ 3 đến 10 lần…
Vẫn biết nước ta còn nghèo, hoạt động hàng không nhất là các sân ga còn quá tải nên việc cải thiện không thể một sớm một chiều, thế nhưng vin vào đó để chậm đổi mới, bỏ bê khuyết điểm, coi thường dư luận là rất không nên. Ngạn ngữ có câu: "Người khen ta mà khen đúng là bạn ta. Người chê ta mà chê đúng là thầy ta". Chắc chắn rằng nếu lắng nghe một cách nghiêm túc, sẽ không khó tìm ra biện pháp để sửa mình. Và như vậy người được lợi trước hết sẽ là ngành hàng không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.