(HNM) - Ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng được thực hiện thành công tại Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt-Đức trong tháng cuối cùng khép lại năm 2015 cũng là trường hợp bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam triển khai kỹ thuật này, góp thêm vào những thành tựu của nền y học nước nhà.
Cuộc trao đổi vào những ngày đầu năm mới giữa phóng viên Báo Hànộimới với Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (PTCS) - BV Hữu nghị Việt-Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á - người đặt nền móng cho ngành PTCS Việt Nam cũng là người đưa khoa PTCS trở thành trung tâm PTCS hàng đầu của đất nước phần nào thấy được cái "tâm" và "tầm" của người thầy thuốc.
Thầy thuốc Nhân dân - PGS.TS Nguyễn Văn Thạch. |
Mang công nghệ người giàu phục vụ người nghèo
- Ông được người trong ngành ví như “đôi tay vàng” chuyên ngành PTCS của Việt Nam, cơ duyên nào khiến ông gắn bó với chuyên ngành này?
- Năm 1988, tôi được Nhà nước cử đi đào tạo tiến sĩ ở Đức về lĩnh vực y tế. Trước khi sang Đức, tôi là bác sĩ của BV Hữu nghị Việt-Đức, được BV cử đi nước ngoài học tập để sau này quay về phục vụ đất nước. Trong lúc đang phân vân trước sự mênh mông bể học của ngành y thì tôi may mắn gặp được ba người thầy là GS Prof, GS Arnol và GS Schweltick. Họ đều là những chuyên gia hàng đầu nước Đức về lĩnh vực PTCS. Ba người thầy này đã định hướng, giúp đỡ và truyền nghề trong thời gian tôi du học ở nước ngoài.
- Nhiều người khi có cơ hội ra nước ngoài học tập, họ thường định cư lại phương trời mới nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển. Vậy lý do gì khiến PGS quyết định phải trở về quê hương?
- Thời điểm đó, chuyên ngành PTCS ở nước ta chưa phát triển. Việt Nam cũng chưa có bác sĩ chuyên về chấn thương cột sống. Chính nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các thầy giáo Đức đã khiến tôi say mê và ước mơ sau này khi trở về nước sẽ phát triển chuyên ngành PTCS phục vụ nền y học đất nước. Suốt 8 năm tu nghiệp và kể cả sau khi về nước, tôi không ngừng nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật y khoa tiên tiến trên thế giới như: Tái tạo nhân dây bằng sóng cao tần, phẫu thuật nội soi đĩa đệm, sử dụng rô bốt trong PTCS… Trong đó, phương pháp PTCS bằng rô bốt được đánh giá là mang công nghệ của người giàu phục vụ người nghèo. Với kỹ thuật này, Việt Nam áp dụng đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ hai ở Châu Á chỉ sau Nhật Bản.
- Được biết, khi trở về phục vụ Tổ quốc, ông là người tiên phong xây dựng khoa PTCS của BV Hữu nghị Việt-Đức. Thời điểm đó, chuyên ngành PTCS còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, vậy ông có gặp phải khó khăn?
- Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở Việt Nam, các bệnh về cột sống hầu như chưa có phương pháp điều trị riêng. Chính vì vậy, BV Việt-Đức đã xếp chung các ca bệnh liên quan đến cột sống vào khoa Chấn thương chỉnh hình. Khi còn sống, GS Tôn Thất Bách đã nói với tôi về việc mong muốn phát triển chuyên ngành PTCS. Lời gợi ý của GS Tôn Thất Bách đã khiến tôi trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian đầu, bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, khó khăn lớn nhất là chưa có được sự nhìn nhận đánh giá đúng những nguy cơ của các bệnh về cột sống. Trong khi đó, các bệnh về cột sống gắn liền với tổn thương tủy sống. Tủy sống rất quan trọng, nếu các bộ phận khác có thể cắt bỏ một phần thì tủy sống lại không thể và nếu không được chữa trị kịp thời và không cẩn trọng, bệnh nhân có thể sẽ bị liệt, thậm chí tử vong. Bởi thế, PTCS được cho là loại giải phẫu đòi hỏi sự khéo léo, tinh xảo của người bác sĩ phẫu thuật… Sau một thời gian dài nỗ lực và khắc phục khó khăn, tháng 9-2007, khoa PTCS chính thức được thành lập. Đây là một quyết định rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới và PTCS chính thức được công nhận là một chuyên ngành, nhận được sự quan tâm đúng mức của ngành Y tế và của xã hội.
- Theo ông, điều gì làm nên thương hiệu cho khoa PTCS, được nhiều bệnh nhân tin tưởng như ngày hôm nay?
- Gần 10 năm thành lập, thương hiệu khoa PTCS dần dần tạo uy tín đối với người bệnh trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước. Để sớm có một đội ngũ đủ trình độ PTCS đáp ứng yêu cầu, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo. Là người được đào tạo bài bản nhiều năm ở Đức, tôi cũng đã tranh thủ các mối quan hệ để tìm nguồn tài trợ đưa các bác sĩ trẻ đi học ở các nước: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Singapore…, đồng thời, tranh thủ mọi sự giúp đỡ và thực hiện xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị chuyên sâu. Các bác sĩ tại khoa ngoài việc được đào tạo cơ bản còn áp dụng thành công hầu hết các phương pháp, các kỹ thuật PTCS tiên tiến trên thế giới. Những kỹ thuật cao được thực hiện ở các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản… cũng đã được áp dụng thuần thục tại khoa PTCS cho những kết quả thành công như mong muốn. Nhờ đó, các y bác sĩ tại khoa đã cứu sống nhiều bệnh nhân, trong đó, có người bị tai nạn hy hữu chấn thương cột sống cổ, vỡ thân đốt sống cổ, liệt tủy… Chính điều này đã làm nên thương hiệu, tạo uy tín rất lớn đối với người bệnh. Đến nay, dù có gần 100 giường nhưng khoa luôn quá tải. Có những ngày, các bác sĩ tại khoa phải mổ hơn 20 ca.
- Mới đây, ông vinh dự nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y - Dược về đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống và đĩa đệm. Điều gì khiến ông tâm đắc khi thực hiện đề tài này?
- Các nhà phẫu thuật hiện nay trên thế giới đi vào phấn đấu làm sao có được ca mổ an toàn, người bệnh tránh được các biến chứng như: Chảy máu, nhiễm trùng… Nhờ đó, người bệnh được phục hồi chức năng sớm, hòa nhập cộng đồng sớm hơn. Để có được điều này thì cần phải sử dụng các công nghệ mới. Ngay khi thành lập khoa, từng năm một, chúng tôi đã đưa được những kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới vào lĩnh vực PTCS. Nếu như trước đây, với việc mổ mở, người bệnh có khi phải nằm tại BV tới 1-2 tuần nhưng bây giờ áp dụng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, người bệnh có thể đi lại ngay sau ca phẫu thuật. Đơn cử như việc triển khai phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm, chỉ cần gây tê tại vị trí cần phẫu thuật khiến trong suốt quá trình phẫu thuật người bệnh vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên, việc đưa một công nghệ mới vào ứng dụng cũng sẽ gặp khó khăn. Thế nhưng, may mắn là tôi nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của gia đình, đồng nghiệp. Điều khiến tôi tâm đắc là với kết quả tốt trong nghiên cứu và ứng dụng, tôi đã chuyển giao các kỹ thuật này cho các đồng nghiệp, từ các BV tuyến tỉnh đến cả vùng sâu vùng xa. Giờ đây, thay vì một mình tôi có thể thực hiện được kỹ thuật này thì nhiều đồng nghiệp khác cũng có thể thực hiện. Như vậy, số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này sẽ là cấp số nhân. Tôi quan niệm, một bác sĩ giỏi cũng chỉ chữa được cho một người bệnh, còn đào tạo được 5 hay 10 bác sĩ thì sẽ có thêm 5 đến 10 người dân được chữa khỏi bệnh.
- Trong những ngày cuối năm 2015, ông và các bác sĩ khoa PTCS đã tiến hành thành công ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện không chỉ chuyên ngành PTCS mà nhiều chuyên ngành trong y khoa Việt Nam đã tiệm cận được với trình độ của thế giới, thế nhưng nhiều người vẫn ra nước ngoài chữa bệnh, PGS có lời khuyên gì?
- Thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng là một kỹ thuật khó và phức tạp. Do đĩa đệm cột sống thắt lưng phải chịu hoàn toàn tải trọng cơ thể lớn. Hơn nữa, khi can thiệp phải đi từ ổ bụng, rất thận trọng để không làm tổn thương các tạng, “giải phóng” đường vào để lấy hết đĩa đệm đã bị hỏng rồi mới đặt được đĩa đệm nhân tạo. Để phẫu thuật thành công, đòi hỏi trình độ của phẫu thuật viên phải điêu luyện, để đặt đĩa đệm thật cân bằng, vì chỉ cần sai vị trí một ly cũng có thể gây nên những hậu quả khôn lường như liệt 2 chi dưới. Hiện tỷ lệ người bị đau lưng, đau cột sống ở Việt Nam khá lớn do số người bị thoái hóa cột sống rất nhiều. Bởi vậy, nhu cầu thay đĩa đệm nhân tạo ở Việt Nam khá lớn. Hiện chi phí phẫu thuật cột sống tại Việt Nam hiện vẫn ở mức rẻ nhất trên thế giới. Đặc biệt, chi phí cho một ca phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng ở BV Việt-Đức chỉ khoảng 50 triệu đồng. Trong khi tại các quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc… một ca phẫu thuật tương tự chi phí đắt gấp 6-7 lần. Không riêng chuyên ngành PTCS mà rất nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực y khoa trên thế giới đã được các thầy thuốc nước ta ứng dụng thành công. Theo tôi, người bệnh không nên “sính ngoại” bởi tay nghề của các bác sĩ trong nước hiện còn được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao. Trong khi đó, chi phí cho một ca phẫu thuật trong nước rẻ hơn rất nhiều với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nói không với “văn hóa phong bì”
- Thường BV tuyến cuối rất đông bệnh nhân và là môi trường của tiêu cực nhưng khoa PTCS lại tạo được uy tín với người bệnh là nơi không có chuyện biếu xén, tiêu cực. Bí quyết gì để nơi đây dẹp được “văn hóa phong bì”, thưa ông?
- Quy định của khoa không cho phép thầy thuốc “nói to” với bệnh nhân hay người nhà họ, chứ đừng nói đến chuyện “vòi vĩnh”. Để làm được điều này, lãnh đạo phải là người gắn kết quyền lợi của mình với quyền lợi của nhân viên để cùng nhau phát triển khoa. Tôi nghĩ rằng, mình cứ hết lòng vì người bệnh, phục vụ, chăm sóc họ một cách tốt nhất. Khi người bệnh tin tưởng đến với mình ngày càng đông khi đó, các bác sĩ tại đây sẽ làm thêm giờ, thậm chí làm thêm ngày. Như vậy, các bác sĩ sẽ có thêm thu nhập. Khi đời sống các y bác sĩ được cải thiện, họ không cần phải nhận phong bì.
- Thế nhưng, đối với không ít BV, khâu xếp lịch mổ chính là nơi tạo kẽ hở cho tiêu cực trong khi lịch mổ của khoa PTCS luôn dày đặc?
- Để bệnh nhân không phải đi lại nhiều, chúng tôi cố gắng xếp lịch mổ đáp ứng được tối đa nhu cầu của người bệnh. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải kiểm tra nhân viên có thực hiện nghiêm chỉ đạo hay không, để bảo đảm không có tiêu cực, đồng thời, lắng nghe ý kiến phản hồi. Bệnh nhân đến với chúng tôi rất đông. Chính vì vậy, tôi luôn phải động viên các cán bộ trong khoa, phối hợp với phòng mổ làm thêm giờ, chia theo ca, theo kíp, thậm chí là tăng ca để đáp ứng được yêu cầu của người bệnh, mà lại giảm tải được cho BV. Thậm chí, khoa cũng triển khai dịch vụ mổ sớm và việc này được thông báo rộng rãi đến người bệnh. Điều này giúp bệnh nhân được phục vụ theo yêu cầu, mà thầy thuốc thì có điều kiện nâng cao tay nghề và cải thiện đời sống. Chúng tôi cũng lưu tâm và ưu tiên với những trường hợp bệnh nhân ở xa. Càng xa càng được ưu tiên mổ sớm để tránh cho bệnh nhân không phải tốn kém tiền tàu xe đi lại vất vả, cũng như chỗ ăn nghỉ để chờ phẫu thuật.
- Nhưng nếu xảy ra vi phạm, ông sẽ xử lý thế nào?
- Không cá nhân thầy thuốc nào trong khoa nhận biếu xén, vì nếu phát hiện, chắc chắn sẽ xử lý kỷ luật. Tất nhiên, lãnh đạo càng phải gương mẫu, nhất là về đạo đức nghề nghiệp. Làm nghề y là lấy phúc cho mình chứ không phải ban phúc cho người bệnh. Điều đặc biệt là, không chỉ xóa bỏ tiêu cực, khoa PTCS còn xây dựng Quỹ từ thiện từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ đầu, khoa PTCS đã xây dựng quy chế để từng thành viên đọc, góp ý và khi đã đồng thuận tức là phải thực hiện nghiêm. Theo đó, ai nhận phong bì của bệnh nhân, thậm chí, chỉ cần quát người nhà bệnh nhân, chứ chưa phải bệnh nhân cũng phải tự giác rời khỏi khoa.
- Đảm nhận nhiều cương vị, từ công tác quản lý, công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học đến tham gia giảng dạy… trong khi quỹ thời gian mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ; vậy ông làm thế nào để mọi việc đều có thể trơn chu?
- Trong cương vị nào, tôi đều phải cố gắng và sắp xếp thời gian cho hợp lý thì mới làm được nhiều việc. Với người thầy thuốc, bất cứ điều gì làm tốt cho bệnh nhân, tôi đều không chối từ. Tôi luôn tâm niệm, được khám, điều trị cho người bệnh là hạnh phúc của người thầy thuốc. Qua đó, mình cũng có thêm nhiều kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ việc nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều hơn cho nền y học nước nhà.
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.