Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ vướng thủ tục hành chính

Trọng Dân| 21/11/2012 06:17

(HNM) - Theo định hướng phát triển đến năm 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở rộng, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước với nhiều chính sách ưu đãi để tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp… Tuy nhiên, những vướng mắc về thủ tục hành chính, cũng như bất cập về luật hiện hành đang là rào cản sự phát triển của đô thị là đầu tàu kinh tế.


Cơ hội thu hút đầu tư lớn

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (1988) đến nay, đã có gần 4.300 dự án đầu tư vào thành phố, với tổng vốn khoảng 31 tỷ USD. Trong đó Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có vốn đầu tư lớn, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục đào tạo, thương mại…


TP Hồ Chí Minh đang có nhu cầu thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực.

Định hướng của thành phố, đến cuối năm 2015 sẽ tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, lần lượt chiếm 57; 42 và 0,1% GDP. Hiện TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, bên cạnh việc mở rộng kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới: Thủ Thiêm, Cảng Hiệp Phước, Nam Sài Gòn; Tây Bắc - Củ Chi; Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều ưu đãi mời gọi nhà đầu tư, thông qua các hình thức có thể lựa chọn, gồm: DN 100% vốn nước ngoài; liên doanh với đối tác trong nước; công ty TNHH, công ty cổ phần; hợp tác kinh doanh; thậm chí có thể mua lại phần góp vốn, cổ phần trong DN đang hoạt động…

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay, thành phố đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, với chức năng tư vấn miễn phí cho các DN tiếp cận các nguồn vốn để triển khai các dự án kinh doanh. Trong đó, số bù lỗ vốn vay cho các DN thuộc chương trình kích cầu lên tới 8.000 tỷ đồng, tối đa là 100 tỷ đồng/dự án và thời gian bù lỗ lãi vay không quá 7 năm. Ngoài ra, thành phố còn chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, xử lý chất thải, công nghiệp… đã mở thêm cơ hội để các DN nước ngoài có thêm nhiều lựa chọn đầu tư.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) khẳng định: "Nhu cầu về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông của thành phố còn nhiều, trong đó có nhu cầu về phát triển hệ thống tàu điện ngầm và tàu chạy trên không (monorall), công trình giao thông ngầm, các đô thị, cảng mới… Chính vì vậy mà cơ hội thu hút đầu tư đang được mở ra rất lớn".

…Nhưng còn không ít rào cản

Ông Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên viên cao cấp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, trong xu hướng dòng đầu tư nước ngoài về nước thì lượng kiều hối do người Việt ở các nước gửi về chiếm một tỷ lệ khá lớn. "Chỉ cần nhìn số tiền gửi phản ánh 10-15% tiền kiếm được, thì thu nhập tổng cộng của người Việt ở nước ngoài có thể lên tới 50 tỷ USD, ở mức bằng 50% tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nguyễn, doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ, dù nhận thức được cơ hội lớn từ đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế không ít doanh nhân nước ngoài, kể cả Việt kiều vẫn chủ yếu "đi đi về về" Việt Nam do còn không ít vướng mắc, cũng như hạn chế hiểu biết về các quy định pháp luật, khác biệt về bảo hiểm, y tế, vệ sinh thực phẩm, môi trường sống… "Họ không đủ thời gian để tạo lập các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, các đối tác kinh doanh, chính quyền trong nước. Và họ cũng chưa có sự trợ giúp để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh, đầu tư,…", ông Nguyễn giải thích thêm.

Ông Từ Ngọc Ẩn, một doanh nhân người Australia gốc Việt kể lại câu chuyện bản thân ông từng trải qua khi quyết định về nước đầu tư: "Khi chúng tôi trình dự án dưới hình thức FDI 100% để đề nghị UBND TP phê duyệt thì kết quả là phản hồi rất chậm chạp. Hậu quả là chúng tôi bị thiệt hại khá lớn do chờ dự án…".

Cùng gặp các vướng mắc tương tự, ông Hoàng Văn Sơn (văn phòng Vina Code Law Firm) phản ánh, hiện xuất hiện tình trạng văn bản pháp luật nhiều khi đã được ban hành, nhưng vì lý do nào đó mà việc thực hiện tại các địa phương bị chậm lại do những bất cập không được giải trình cụ thể. "Tại sao việc áp dụng các luật rất đơn giản nhưng các sở lại không làm được, do cán bộ ngại trách nhiệm đẩy lên cấp trên; cán bộ yếu kém về năng lực hay vấn đề nào khác?", ông Sơn băn khoăn.

Ngoài những vướng mắc về thủ tục hành chính, không ít DN phàn nàn về Luật Đầu tư (năm 2005) sau 7 năm được ban hành đến nay đã nảy sinh những quy định trùng lắp, mâu thuẫn với các Luật DN, Luật Đất đai… Điều này dẫn tới các nghi ngại của DN nước ngoài khi đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tế được các DN cho là giải pháp cần thiết nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ vướng thủ tục hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.