Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ trong một ngày, một tháng...

Hoàng Thu Vân| 01/06/2012 06:58

(HNM) - Hôm nay (1-6) là ngày Quốc tế Thiếu nhi. Đúng ngày này 70 năm trước (ngày 1-6-1942), phát xít Đức đã bao vây một ngôi làng nhỏ của Tiệp Khắc, bắt đi 196 phụ nữ và trẻ em, chúng đã đưa 104 trẻ em vào trại tập trung và 88 em nhỏ đã bị chết trong các phòng hơi độc...


Ngày 20-2-1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

Tại Việt Nam, tháng 6 hằng năm cũng là Tháng cao điểm hành động Vì trẻ em. Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được Bộ LĐ-TB&XH phát động có chủ đề "Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em" với những mục tiêu cụ thể như giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,6%; 82% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên hòa nhập cộng đồng; 65% xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...

Những ngày qua, Tháng hành động Vì trẻ em liên tục được các địa phương phát động rầm rộ với mục đích vận động toàn xã hội chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong từng gia đình, sự quan tâm dành cho trẻ em cũng được thể hiện ngày càng rõ nét khi điều kiện kinh tế chung của xã hội ngày càng được cải thiện. Phố Lương Văn Can hay những tuyến phố chuyên kinh doanh các mặt hàng đồ chơi, quần áo dành cho trẻ em những ngày này cũng nườm nượp người mua sắm. Nhà hát, rạp xiếc, phòng chiếu phim, công viên... cũng bận rộn hơn với những chương trình riêng nhằm đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế" vốn là chủ nhân tương lai của đất nước.

Những ngày này, bắt gặp nhiều hơn nụ cười trên các gương mặt trẻ thơ. Và ít nhiều trong một ngày, một tháng hoặc một kỳ nghỉ hè, trẻ em cũng đỡ bận rộn hơn với chuyện học. Nhưng đó cũng lại là thời điểm cả xã hội trở về với những băn khoăn như "đến hẹn lại lên", ấy là trẻ em chơi ở đâu, chơi với ai, việc học tập cần cải cách như thế nào...? Vẫn biết đây là những vấn đề không thể giải quyết trong một ngày, một tháng hay một kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, đã có không ít cuộc hội thảo, tọa đàm, thậm chí cả những chương trình cải cách hoành tráng, quy mô đối với từng vấn đề, nhưng hiệu quả thu được hầu hết chưa như mong muốn. Kết quả là học sinh ngày càng phải ngồi nhiều hơn vào bàn học. Học ở trường chưa đủ, còn phải học phụ đạo, học thêm; học ngày chưa đủ, đêm cũng phải căng mắt ra mà học. Thế nên cũng không lạ khi những cặp kính trắng xuất hiện ngày một nhiều hơn, những chiếc cặp ngay từ khi vào lớp 1 cũng ngày một nặng hơn. Mà suy cho cùng, nếu không học thì cũng chẳng có chỗ nào để chơi. Ngay như tại Hà Nội nơi vốn được coi có điều kiện hơn rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, chỗ vui chơi dành riêng cho trẻ em ở mỗi phường, xã, cụm dân cư... vẫn là điều gì đó rất xa xỉ.

Thời hội nhập, lại còn những vấn đề mà nhìn ra ngoài biên giới thấy trẻ con của chúng ta thiệt thòi quá, ấy là việc chơi như thế nào cho hữu ích, vừa giải phóng năng lượng, bổ sung những kiến thức thực tế, vừa nâng cao tính hòa nhập với cộng đồng, với xã hội. Có những câu chuyện ví von nghĩ mà đau. Đại loại thế này: Nếu cuộc đời là một cuộc đua marathon dài 42km thì người Việt luôn chiến thắng trong 10km đầu vì học sinh của chúng ta chỉ biết học và học, trong khi đó với nước ngoài thì việc chính của trẻ em là chơi hoặc học cũng như chơi. Chặng 10km tiếp theo thì chúng ta bị họ đuổi kịp. Và ở 22km cuối cùng trong cuộc đua marathon, tức là kết thúc quá trình học tập để có thể trưởng thành, ứng dụng những kiến thức đã học thì nhìn chung là chúng ta thua kém. Do đó, người ta đưa ra kết luận, chơi cũng cần phải học cách thức...

Nêu những chuyện trên để thấy rằng, hành động Vì trẻ em không chỉ cần trong... một ngày, một tháng hoặc một kỳ nghỉ hè!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ trong một ngày, một tháng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.