(HNM) - Thực tiễn xét xử hiện nay đang có hiện tượng: Cùng một vụ việc nhưng tại phiên sơ thẩm và phiên phúc thẩm lại cho hai kết quả trái ngược nhau. Không ít chuyên gia cho rằng ngoài nguyên nhân trình độ của thẩm phán, cần phải xem xét cả yếu tố đạo đức nghề nghiệp.
Hai cấp xử hai kết quả
Sau khi tham gia tiến hành tố tụng, giải quyết vụ án ly hôn, thẩm phán Tô Xuân Mùi (thuộc TAND thị xã Sơn Tây) bị đương sự tố cáo nhận tiền trái pháp luật (Báo Hànộimới số ra thứ ba ngày 15-6). Thẩm phán Mùi đã nhiều lần triệu tập nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Yến (ở phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), yêu cầu nộp tiền cho ông để làm các thủ tục lên đến hàng chục triệu đồng. Mặt khác, ông Mùi cũng "bật đèn xanh" cho chồng bà Yến bán một thửa đất là tài sản chung của hai vợ chồng.
Để hợp thức hóa việc này, tại Bản án sơ thẩm số 13/2009, do chính ông Mùi ký, tuyên giao cho chồng bà Yến toàn bộ thửa đất đó. Không bằng lòng với phán quyết này, bà Yến đã làm đơn kháng cáo đề nghị TAND TP Hà Nội xét xử theo trình tự phúc thẩm. Khi TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án và đưa ra xét xử phúc thẩm, HĐXX đã tuyên: Sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận chia nhà, đất cho nguyên đơn; công nợ chia đều vợ chồng cùng có nghĩa vụ trả nợ và miễn toàn bộ án phí chia tài sản. Đến khi thi hành bản án, bà Yến yêu cầu THADS Sơn Tây hoàn trả số tiền án phí mà ông Mùi nhận nộp "hộ" trước đó thì Chi cục THADS Sơn Tây cho biết, nguyên đơn chỉ phải nộp 50 nghìn đồng chứ không phải 5 triệu đồng như bản án mà ông Mùi đã tuyên.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng văn phòng LS Thành Sơn và Đồng sự (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Nếu nội dung đơn tố cáo của bà Yến là đúng sự thật thì căn cứ vào Nghị định số 70/CP của Chính phủ, việc thẩm phán nhận tiền tạm ứng án phí của đương sự là trái pháp luật. Hơn nữa, người có khó khăn về kinh tế được TA (đại diện là Chánh án) xem xét miễn nộp một phần hoặc toàn bộ tiền tạm ứng án phí chứ không phải thẩm phán.
Đến chuyện ba cấp xử đều sai
Cuối năm 2000, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) xôn xao trước tin 3 thanh niên gồm: Nguyễn Đình Tình (29 tuổi), Nguyễn Đình Lợi (30 tuổi) và Nguyễn Đình Kiên (30 tuổi) bị bắt vì tội hiếp dâm và cướp tài sản. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm (cơ quan xét xử thuộc tỉnh Hà Tây cũ), đến Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội lúc đó đều có chung kết luận: Vào tối 24-10-2000, Tình, Lợi, Kiên mang theo hung khí bàn nhau đi trấn lột. Khi đến khu vực trạm bơm xã Yên Nghĩa, cả ba phát hiện một đôi trai gái đang ngồi tâm sự trên xe máy. Lợi dùng dao gí vào cổ, khống chế người đàn ông kéo xuống mương, cướp tài sản.
Sau đó, cả ba khống chế cô gái để cướp vàng, rồi thay nhau hãm hiếp nạn nhân. Tình, Kiên, Lợi phải nhận tổng cộng 41 năm tù. Trong quá trình ngồi tù, 3 bị cáo cùng gia đình liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan chức năng; báo chí dư luận cũng lên tiếng về nhiều uẩn khúc trong vụ án. Đến cuối tháng 1-2010, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị tuyên các bị cáo Tình, Kiên, Lợi vô tội. Nguyên do các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Các bản án đã căn cứ tài liệu điều tra thiếu tính khách quan để kết tội các bị cáo. Viện KSND Tối cao cũng chỉ ra hàng loạt lỗi tắc trách của các cơ quan tố tụng. Đơn cử, thời điểm xảy ra vụ án, Tình, Kiên và Lợi có bằng chứng ngoại phạm là đang đi dự sinh nhật bạn, có nhiều người làm chứng nhưng lại không được các cơ quan tố tụng quan tâm, xem xét. Vật chứng duy nhất trong vụ án là chiếc áo thủ phạm đã bỏ lại hiện trường, nạn nhân nhặt được nhưng trong hồ sơ lại thể hiện một chiếc áo khác... Gần 10 năm bị cách ly với xã hội mới tới ngày được trả tự do, Tình, Lợi, Kiên chưa vơi đi cảm giác tủi nhục. Họ đang mong ngóng đến phiên tòa giám đốc thẩm để được trả lại cho họ một phần những gì đã mất khi phải đem thân vào chốn lao tù.
Truy trách nhiệm cá nhân tham gia điều tra, xét xử
Luật sư Nguyễn Ngọc Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, hai sự kiện nêu trên là điển hình của việc thẩm phán chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, không nắm chắc những quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự và Bộ luật tố tụng Dân sự nên khi thụ lý giải quyết chưa bao quát được toàn diện nội dung vụ án. Nhìn trên bình diện chung, khả năng đáp ứng với công việc của đội ngũ thẩm phán hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn. Giải pháp khắc phục thì nhiều, song quan trọng nhất vẫn là giáo dục ý thức chính trị, thường xuyên tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm với những sai lầm đã mắc phải. Điều cần lưu ý là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, bởi bên cạnh trình độ, kinh nghiệm, rất cần sự liêm khiết, công tâm của các thẩm phán, có như vậy mới không còn án oan sai, tạo lòng tin của tổ chức và công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.