Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ thiếu chính sách điều tiết

Mạnh Quân| 09/02/2012 07:21

(HNM) - Lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay mới chỉ tăng về số lượng. Năm 2011 tăng 1,2 triệu người so với năm 2010 (ước tính 51,6 triệu người) nhưng tỷ trọng qua đào tạo lại thấp, chỉ có 7,4 triệu người có bằng hoặc giấy chứng chỉ (chiếm 14,7%) và chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản…


Theo đánh giá chung thì tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam khá thấp (năm 2010 là 2,88%, năm 2011 là 2,6%), nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lại cao hơn khu vực nông thôn (3,96% so với 2,02%). Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực lao động với 24,8 triệu người (chiếm 49%) làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng chỉ có 10,6 triệu người (chiếm 21%) và dịch vụ là 15,2 triệu người (tương đương 30%).

Ở góc độ tiền lương, nếu tính theo ngành kinh tế thì thu nhập bình quân chênh lệch khá lớn, từ mức thấp nhất là ngành nông, lâm, thủy sản với khoảng 1,8 triệu đồng/tháng đến mức cao nhất là các đối tượng làm việc tại các tổ chức và cơ quan quốc tế (khoảng 8 triệu đồng/người/tháng).

Quan hệ xã hội về việc làm cũng được phản ánh qua tình trạng lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày càng phổ biến, khiến cho tỷ lệ lao động ở thành thị tăng từ 20% năm 1996 lên 28% năm 2010. Lực lượng này phần lớn là lao động thời vụ, làm việc trong khu vực phi chính thức. Do đó, họ thường bị "bỏ quên" và không nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết cũng như không được hưởng các chế độ, phúc lợi xã hội dành cho người lao động và phải đối mặt rất nhiều rủi ro như tình trạng bị lạm dụng, lừa gạt; khó khăn về nhà ở; nguy cơ dễ bị nhiễm tệ nạn xã hội; các rủi ro trong suy giảm sức khỏe và khó khăn trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục.

Từ thực trạng trên, Cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH) Tào Bằng Huy cho rằng, cần phải có các quy định quản lý lực lượng lao động cả về số lượng và chất lượng làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách điều tiết thị trường lao động, hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, góp phần nâng cao chất lượng lao động và chất lượng việc làm cho người lao động.

Các chuyên gia của Tổ chức Lao động thế giới cũng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động cũng như gắn kết cung - cầu lao động thì phát triển hệ thống thông tin thị trường là rất cần thiết. Trên thực tế, hiện nay hệ thống thông tin thị trường lao động Việt Nam đã được hình thành, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đã được kết nối từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố nhưng chưa đồng bộ để có thể bao quát được tình hình cung - cầu. Cơ sở dữ liệu về thị trường lao động ở Việt Nam vừa thiếu, vừa không được cập nhật thường xuyên do hầu hết các cuộc điều tra chỉ được tiến hành 1 lần/năm trong khi biến động về thị trường là thường xuyên. Hầu hết các cuộc điều tra là điều tra mẫu, phạm vi, quy mô chưa có tác dụng nhiều đối với công tác dự báo tầm quốc gia và hầu như không có tác dụng trong việc đưa một thông tin chính xác nhất về thực trạng thị trường lao động tại cấp địa phương. Chưa kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về cung - cầu lao động cho các nhà tuyển dụng và người lao động cũng như các cơ sở đào tạo để có định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thừa nhận điểm yếu này, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho rằng, cần quản lý lực lượng lao động một cách khoa học, khai thác tiềm năng của lực lượng này, xây dựng các chỉ tiêu về việc làm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, đồng thời phản ánh chính xác thị trường, vấn đề mất cân đối trong tuyển dụng lao động; hoàn thiện và nâng cao các dịch vụ việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ thiếu chính sách điều tiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.