(HNM) - Nói đến đời sống công nhân lao động (CNLĐ), nhiều người thường bắt đầu hình dung những khó khăn cơm áo, gạo tiền. Song có một nỗi lo không nhỏ ít ai để ý, đó là tâm tư, tình cảm, tình yêu, hôn nhân của họ đang gặp nhiều vấn đề nan giải.
Được việc làm, mất cơ hội hôn nhân
Lò Văn Tân, công nhân Công ty Hoya (KCN Bắc Thăng Long), 24 tuổi, quê ở Tuyên Quang, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ hay đau ốm, dưới Tân còn hai em nhỏ, thu nhập cả gia đình trông vào mảnh vườn trồng rau. Tân đành rời quê lên Hà Nội làm công nhân. Thu nhập chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng, song Tân vẫn cố gắng gửi về cho mẹ năm bảy trăm nghìn. Để dành được số tiền đó, anh phải "cắt" tất cả các khoản chi ngoài việc ăn ở, sinh hoạt cá nhân, thậm chí giảm tối đa việc về thăm quê. Cuộc sống khó khăn, công việc ca kíp bận rộn liên tục khiến Tân không dám nghĩ đến chuyện tình cảm. Tân thật thà kể, biết có người bạn gái cảm mến mình, mặc dù Tân cũng quý bạn, nhưng chỉ biết né tránh, bởi sợ khi yêu không có thời gian, không có tiền mời bạn gái đi chơi.
Tương tự, Lê Hiền Trang, 23 tuổi, công nhân Công ty Canon (KCN Bắc Thăng Long), quê ở Phú Thọ, vẫn chưa có cơ hội đến với tình yêu, hôn nhân. Trang tâm sự: ở nơi em thuê trọ không có ti vi, đài, báo, bạn bè cũng ít mà toàn là bạn gái. Công ty có khoảng 9.500 công nhân, nhưng chỉ có hơn 100 nam. Tỷ lệ nam nữ quá chênh lệch, công việc áp lực và kỷ luật gò bó, khiến cuộc sống của Trang và đồng nghiệp ít có điều kiện giao lưu kết bạn. Trang lo lắng, nếu làm công nhân ở đây mãi thì không biết có cơ hội để yêu đương, lấy chồng hay không, còn nếu vài năm nữa, bỏ việc về quê, chẳng những phải tiếp tục đối mặt với cái nghèo, mà lúc ấy, đã quá lứa lỡ thì. Với Nguyễn Thị Dịu, công nhân Công ty Sumo, quê ở Quảng Bình, còn đáng thương hơn, ra Hà Nội làm công nhân được hơn hai năm, với mức thu nhập thấp, công việc quá bận rộn nên Dịu không có cơ hội về thăm nhà, thăm người yêu ở quê. Xa mặt cách lòng, tình cảm dần phai nhạt và Dịu đành chấp nhận chia tay...
Chưa có thống kê nào cụ thể, song những hoàn cảnh khá phổ biến trên đã gióng lên hồi chuông báo động, không thể thờ ơ. Thực tế cho thấy, công việc, cuộc sống khó khăn vây quanh khiến chuyện tình cảm của CNLĐ đang dần đi vào ngõ cụt. Song, đáng buồn hơn cả là, không ít CNLĐ đã lập gia đình ở quê, khi ra TP làm công nhân đã không thể về gia đình trong thời gian dài, dẫn đến hôn nhân tan vỡ, có nhiều người cố gắng "đèo bòng" cả nhà cùng lên Hà Nội, thuê trọ, song cũng khó trụ lại vì thiếu thốn trăm bề...
Giúp CNLĐ xây "tổ ấm" - mô hình cần nhân rộng
Nắm bắt được những khó khăn về chuyện tình yêu, hôn nhân đối với CNLĐ, thời gian qua các cấp CĐ đã và đang nỗ lực có những hoạt động thiết thực hỗ trợ công nhân giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, thực hiện chủ trương Đại hội X Công đoàn Việt Nam "hướng mạnh về cơ sở, chăm lo cho NLĐ", các cấp CĐ TP chú trọng hơn tới công tác chăm lo đời sống tinh thần CNLĐ. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, hằng năm, LĐLĐ TP trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các đơn vị tổ chức hàng chục cuộc giao lưu, tạo sự gắn kết trong CNLĐ, giúp họ giải tỏa căng thẳng về tinh thần cũng như trong công việc. Điển hình như chương trình "Công nhân hát cho công nhân nghe", sau khi LĐLĐ TP triển khai mẫu, nhiều CĐ cơ sở đã tổ chức ngay tại DN, thu hút đông đảo công nhân tham gia. Và điều đáng mừng là, hiện nay với sự nỗ lực của CĐ cấp trên cơ sở, CĐ cơ sở đã dần ý thức quan tâm hơn tới đời sống tinh thần CNLĐ. Tiêu biểu như hoạt động "Ngày gia đình" do CĐ Công ty Sơn Nipon (thuộc CĐ KCN&CX) Hà Nội tổ chức không chỉ mang đến cho công nhân một sân chơi lý thú, bổ ích, mà còn gắn kết giữa CNLĐ với nhau và CNLĐ với người sử dụng lao động. Để động viên, giúp đỡ CNLĐ có tình yêu, gia đình hạnh phúc, Công ty TNHH Ladoda (thuộc LĐLĐ Gia Lâm) không chỉ xây nhà kiểu hộ gia đình cho công nhân thuê với giá rẻ hơn thị trường, mà CĐ còn thường xuyên quan tâm tới những trường hợp công nhân đến độ tuổi lập gia đình, động viên họ tổ chức cưới, hỗ trợ phương tiện đưa đón dâu, mua sắm giường tủ, vật dụng gia đình… Qua đó, giúp nhiều CNLĐ xây "tổ ấm", ổn định tâm lý, làm việc hiệu quả, gắn bó lâu dài với công ty.
Tuy có tín hiệu mừng, nhưng nhiều cán bộ CĐ băn khoăn, cách quan tâm tới CNLĐ như trên không nhiều đơn vị, DN làm được. Số lượng CNLĐ được hưởng sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức CĐ còn rất ít, nhất là CNLĐ tại các DN ngoài nhà nước.
Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Trần Văn Thực khẳng định, LĐLĐ TP sẽ tăng cường chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở tổ chức nhiều hơn hoạt động chăm lo đời sống tinh thần NLĐ như đối thoại với công nhân, tư vấn sức khỏe sinh sản, tổ chức nhiều cuộc giao lưu..., giúp NLĐ có cơ hội xây "tổ ấm". Đồng thời chỉ đạo rà soát, nắm bắt nhu cầu của CNLĐ, thời gian tới CĐ sẽ triển khai hoạt động tổ chức cưới tập thể cho công nhân, để giúp ngày càng nhiều CNLĐ an cư, lạc nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.