(HNM) - Thời gian gần đây, dư luận rộ lên thông tin ở một số tỉnh phía Bắc, người sản xuất các loại chè
1. Thời gian gần đây, dư luận rộ lên thông tin ở một số tỉnh phía Bắc, người sản xuất các loại chè "độn" nhiều tạp chất, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại chè này được chế biến theo "đơn đặt hàng" của thương nhân nước ngoài với giá cao, số lượng lớn. Khi đối tác không mua nữa, chè trót làm rồi, bỏ đi thì tiếc nên bà con đem đi tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đến khi bị người tiêu dùng phát hiện, tẩy chay thì cơ quan chức năng mới biết và vào cuộc. Chỉ riêng tại tỉnh Yên Bái, lực lượng quản lý thị trường cùng các ngành chức năng địa phương đã tịch thu, tiêu hủy trên 10 tấn "chè bẩn" các loại, song số lượng đã lưu thông trót lọt, người tiêu dùng đã sử dụng thì không thể xác định được...
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua các sản phẩm được bày bán trên thị trường. Ảnh: Khánh Nguyên
2. Một bộ phận người dân Hà Nội hiện đang rất sùng bái thực phẩm chức năng, song do không hiểu rõ về công hiệu nên nhầm lẫn, coi đây là "thần dược" và sẵn sàng bỏ tiền ra mua với giá cao ngất ngưởng. Thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, công an kinh tế phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành phố vừa kiểm tra văn phòng Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam (ngách 45 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa), đã phát hiện gần 100 thùng các tông đựng các loại nhãn mác và thực phẩm chức năng Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E… mang nhãn mác của Mỹ đã được đóng gói nhưng không đủ thành phần và tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký. Đại diện Takeda Việt Nam thừa nhận, các loại bao bì, nhãn mác, hộp đựng sản phẩm... và hàng chục ngàn sản phẩm dạng viên đã được công ty nhập từ Hải Dương về đóng gói, dán tem nhãn rồi bán ra thị trường (khoảng 20 thùng mỗi ngày). Bao nhiêu người tiêu dùng bị lừa, mua và sử dụng phải hàng giả, liệu đã có ai thống kê?
Hai sự việc trên đều cho thấy một vấn đề là người tiêu dùng hiện đang bỏ tiền ra mua hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại mà không hề hay biết. Chỉ đến khi công luận lên tiếng hoặc cơ quan chức năng kiểm tra mới xác định rõ nhưng các vụ việc thường được tiến hành muộn và không thường xuyên. Vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thiết nghĩ đi đôi với việc người tiêu dùng phấn đấu là "người tiêu dùng thông thái" với các tiêu chí cụ thể: cẩn trọng, không ngừng nâng cao hiểu biết khi mua sắm, sử dụng hàng hóa... thì công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng phải được cơ quan có trách nhiệm thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên và có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.