(HNM) - Cho đến hôm nay, dẫu chưa có con số thống kê chính thức về tốc độ tăng trưởng của hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất, sau hơn một năm thực hiện Thông báo số 264 - TB/TƯ ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị về việc tổ chức Cuộc vận động
Hơn một năm qua, tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Hapro, Intimex... lượng hàng nhập khẩu đã giảm đáng kể, có nơi chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng lượng hàng hóa. Đặc biệt vào thời điểm "bão giá", lượng hàng bán ra theo phương thức hàng bình ổn giá luôn được người tiêu dùng đón nhận khá nhiệt thành.
Người sống tại các thành phố, thị xã đã vậy, với nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, mỗi đợt bán hàng đặc biệt mà các doanh nghiệp phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức, luôn được bà con nông dân coi như ngày hội của mình. Chỉ có điều, những đợt bán hàng ấy thường diễn ra gần Tết, hay nhân dịp địa phương tổ chức đón nhận danh hiệu này nọ, nên rõ ràng chưa thực sự tạo thành nếp nghĩ thường nhật của người dân nông thôn. Chính cách tiếp cận mang tính hành chính, phong trào này đã trực tiếp góp một phần không nhỏ cho hàng ngoại chất lượng kém chiếm lĩnh tới hơn 50% lượng hàng hóa bán ra tại khu vực nông thôn rộng lớn.
Câu hỏi, làm thế nào để hàng Việt Nam đến được với mọi người tiêu dùng Việt Nam, không thể chỉ bắt đầu từ nhà sản xuất? Doanh nghiệp tích cực, chủ động là một phần quan trọng; nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chính là yếu tố quyết định để hàng Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường quan trọng này.
Nếu trước đây hệ thống HTX mua bán được rải đều khắp mọi thôn, xã, bản, làng, thì dường như trong sự chuyển động của cơ chế thị trường, mô hình này mất dần vị thế độc tôn. Thiếu một hệ thống phân phối lớn, người nông dân chỉ biết tìm đến các chợ quê, các đại lý tự phát trong mỗi làng, xã để thỏa mãn nhu cầu hết sức nhỏ bé của mình. Và tất nhiên vì lợi nhuận, người bán luôn và chỉ sẵn sàng mua vào những sản phẩm nhập ngoại chất lượng kém, với giá cả xem ra hợp hơn với túi tiền người lao động nông thôn.
Cũng có lẽ vì thế, đã đến lúc các nhà quản lý không thể mãi chậm trễ với lời giải cho bài toán đưa hàng Việt Nam về với tất cả mọi người Việt Nam. Bởi, đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà sâu xa hơn chính là lòng tự tôn dân tộc, tình yêu nước, nghĩa đồng bào trước việc thực hiện cuộc vận động mang ý nghĩa nhân văn cao cả này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.