(HNM) - Hành lang an toàn là bộ phận không thể tách rời của đường bộ, đường sắt nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bảo vệ hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) vì thế được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành GTVT và các địa phương.
Tình trạng đô thị hóa ven các tuyến đường phá vỡ quy hoạch, gây mất an toàn và là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.Ảnh: Như Ý
Thiếu kinh phí
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kế hoạch, công tác quản lý, bảo vệ HLATĐB đã được các cơ quan, chính quyền địa phương quan tâm hơn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp với các lỗi: lấn chiếm, xây dựng trái phép, đấu nối trái phép vào quốc lộ… Những hạn chế trong quản lý dẫn tới tình trạng đô thị hóa phát triển tràn lan ven các tuyến đường, phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gây mất an toàn cho người, phương tiện. Số liệu thống kê của 4 khu quản lý đường bộ và 31 sở GTVT cho biết, có 36.711 đường ngang đấu nối vào quốc lộ, trong đó có phép, do lịch sử để lại là 25.555 trường hợp; còn lại là không phép. Đáng kể là tình trạng mở đường đấu nối vào quốc lộ rất tùy tiện của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu với 2.625 cửa hàng đấu nối trực tiếp vào quốc lộ, nhưng chỉ 262 trường hợp có phép, 1.273 trường hợp do lịch sử để lại và 1.090 trường hợp không phép…
Có nhiều lý do khiến thực trạng đáng buồn đó chưa được giải quyết dứt điểm và nguyên nhân đầu tiên thường được nói tới là thiếu kinh phí. Quả thực, với tồn tại lịch sử kéo dài nhiều năm, không dễ xử lý mà không đủ kinh phí để bồi thường, hỗ trợ cho người dân để khắc phục. Cuối năm 2008, khi tổng kết thực hiện giai đoạn 1, Bộ GTVT đã cho biết, việc thanh toán, giải ngân chưa kịp thời. Trong giai đoạn 2, với 127 tỷ đồng, Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã phê duyệt, chỉ đạo thực hiện hơn 14 nghìn kilômét quốc lộ. Thiếu kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng thực sự là một trở ngại không nhỏ trong việc lập lại trật tự HLATĐB. Theo 4 khu quản lý đường bộ và 30 sở GTVT, tổng diện tích cần giải tỏa là hơn 99 triệu mét vuông, trong đó hơn 80 triệu mét vuông đất hợp pháp, hơn 10 triệu mét vuông đất lấn chiếm… Dự kiến, tổng kinh phí đền bù để giải tỏa, lập lại trật tự HLATĐB từ nay đến năm 2020 lên tới hơn 713.000 tỷ đồng. Đây là số kinh phí quá lớn không chỉ với ngành GTVT mà còn với các địa phương, bởi nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng cũng đang… đói vốn.
Thiếu trách nhiệm quản lý
Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 2, phương án triển khai giai đoạn 3 thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB theo Quyết định 1856, Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, vi phạm diễn ra phức tạp, đa dạng trên tất cả các tuyến quốc lộ. Nhiều địa phương không xác định trách nhiệm của mình, coi lập lại trật tự HLATĐB là trách nhiệm riêng của ngành giao thông. Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ VII (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Phan Hiền đồng tình với quan điểm này và nêu dẫn chứng đơn vị được giao quản lý 19 quốc lộ nằm trên địa phận 20 tỉnh, thành phố; sau khi rà soát đã phát hiện hơn 4.300 trường hợp vi phạm, chuyển hồ sơ đến các địa phương để ra quyết định cưỡng chế, giải tỏa, nhưng chưa có địa phương nào thực hiện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến bảo đảm HLATĐB dẫn tới vi phạm tiếp tục phát sinh và không được xử lý triệt để ngay, tạo thành tiền lệ xấu. Đó là điều đáng lo ngại, bởi trong Quyết định 1856, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm rõ ràng cho các địa phương trong việc lập lại trật tự HLATĐB-ĐS. Chưa nói tới việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB, ngay việc gửi báo cáo để phục vụ hội nghị tổng kết cũng bị một số địa phương xem nhẹ, không gửi về Tổng cục đúng yêu cầu. Vẫn theo Tổng cục Đường bộ, vẫn còn 26 tỉnh, thành phố chưa lập hoặc hoàn thiện quy hoạch đấu nối vào quốc lộ để thỏa thuận với Bộ GTVT. Trong số 37 tỉnh, thành phố đã có thỏa thuận thì một số địa phương mới chỉ thỏa thuận cho một số tuyến. Chính sự thờ ơ của chính quyền sở tại khiến việc lập lại trật tự HLATĐB gặp không ít khó khăn. Chẳng nói đâu xa, việc quy hoạch cửa hàng xăng dầu do UBND tỉnh, thành phố và bộ quản lý chuyên ngành quyết định, nhưng khi quy hoạch đấu nối với quốc lộ phải lấy ý kiến của các khu quản lý đường bộ, vậy mà số cửa hàng không phép vẫn rất nhiều và được tồn tại không phép. Thử hỏi nếu các địa phương làm đúng, quản lý chặt chẽ liệu có sự ngang ngược đến vậy? Để việc thực hiện Quyết định 1856 đạt hiệu quả cao, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các địa phương phải vào cuộc thực sự tích cực, quyết liệt hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.