(HNM) - Chiếc đồng hồ đếm ngược trước sân đền Bà Kiệu đang điểm những giờ khắc sau cùng để hoàn thành trọn vẹn sự kiện được nhân dân Thủ đô và cả nước, bạn bè quốc tế mong đợi.
Người dân phấn khởi, hân hoan chào đón Thủ đô ngàn năm tuối. Ảnh: Nguyệt Ánh
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chuyên viên Bộ Tài chính - số 28 phố Trần Hưng Đạo: Giá trị con người Hà Nội là tài sản vô giá
Hà Nội 1000 năm tuổi có biết bao công trình văn hóa, kiến trúc, lịch sử mang giá trị không chỉ của đất Kinh kỳ mà còn của cả đất nước Việt Nam. Song tôi nghĩ, giá trị con người Hà Nội mới là nét đặc trưng, khác biệt so với các vùng miền khác và là tài sản vô giá. Ở đâu, bao giờ và lúc nào, người Hà Nội cũng là con người giàu trí tuệ, tình yêu, lòng nhân ái, dũng cảm trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động sản xuất và tinh tế, hào hoa trong đời sống. Được tham gia các hoạt động kỷ niệm Đại lễ những ngày qua, tôi càng thấy thêm tự hào về bàn tay, khối óc và nhiệt tình của người Hà Nội. Thủ đô mở rộng, người Hà Nội giờ đây không còn bó hẹp trong phạm vi địa lý cũ nữa mà sẽ nâng cao được sức lan tỏa và tiếp thu những truyền thống, đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn, đóng góp được nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước thịnh vượng.
Anh Vũ Minh Xuân, cán bộ văn hóa xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa: Khó nói hết niềm tự hào
Những ngày vừa qua, khắp làng quê tôi đỏ rợp bóng cờ, lòng người thì nô nức mừng vui. Không khí hồ hởi, phấn khởi ngày ngày hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, ở tất cả các nơi sinh hoạt cộng đồng và theo mỗi con ngõ nhỏ… khiến người dân phấn khởi hơn trong lao động, sản xuất và học tập, nâng cao hơn nhận thức của bản thân với cộng đồng. Ở những vùng nông thôn như chúng tôi, niềm vui của người dân tuy đơn giản nhưng đầy ắp sự tự hào, tình cảm gắn bó với quê hương. Tôi hy vọng, sau đây, hiện diện trong mỗi người sẽ là những suy nghĩ tích cực hơn về bản thân và xã hội.
Chị Nguyễn Thanh Huyền - Việt kiều tại CHLB Đức: Hà Nội không chỉ là ký ức…
Trong ký ức của tôi, một người đã xa Hà Nội hơn 20 năm, Hà Nội là những lần lóc cóc cùng các chị, em đạp xe lên Bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền, vào Lăng viếng Bác... vì nhà tôi ở tận Thường Tín, Hà Tây (nay cũng đã là Hà Nội), ít có dịp được vào nội thành. Tôi nhớ mãi lần được bố đưa đến một cửa hiệu ở phố Lò Sũ để may áo dài, năm 1988, trước khi tôi lên đường sang nước Đức làm việc. Đã hơn hai mươi năm nay, bộ áo dài đó tôi vẫn còn giữ dù chỉ đã sờn, màu vải đã bạc. Ở Đức, thị trấn nơi gia đình tôi sinh sống không có nhiều người Việt nhưng may mắn là tôi tìm thấy ba gia đình cũng từng có thời gian ở Hà Nội, những người chủ nhà lại trạc tuổi chúng tôi. Dù ở khá xa nhau nhưng mỗi tháng một lần, không kể các dịp đặc biệt như các ngày lễ, Tết… chúng tôi lại tập trung bốn gia đình ở một nhà, nấu những món thuần Việt như phở, nem, chả cá… và nói chuyện về Hà Nội, Việt Nam. Dịp Đại lễ, một gia đình đã thu xếp được để về Việt Nam. Còn lại ba gia đình cũng đã lên kế hoạch kỷ niệm thật đặc biệt. Chúng tôi sẽ mời những người bạn Đức thân thiết đến cùng chung vui vào đúng ngày chủ nhật 10-10.
Anh Bùi Văn Huy, Công an phường Phú La, quận Hà Đông: Mỗi người sẽ sống tốt hơn cho xã hội
Thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, được sống trong tự do hòa bình nên khi được chứng kiến, được hòa mình trong không khí của những ngày thiêng liêng này, bản thân tôi tự thấy hướng mạnh hơn về cội nguồn và thêm trân trọng những mất mát, hy sinh của cha ông để có được một Thủ đô phát triển phồn thịnh như ngày hôm nay. Các hoạt động kỷ niệm mang ý nghĩa vô cùng lớn lao là cơ hội để tôi thu lượm được nhiều hơn những kiến thức về giá trị lịch sử của Thủ đô và cũng là dịp tự vấn mình để làm sao thực hiện tốt hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của một người dân Hà Nội.
Chị Nguyễn Thu Nga, xã Phú Cường, huyện Ba Vì: Mong tinh thần Đại lễ sẽ còn mãi
Chưa bao giờ tôi được thấy một sự kiện được tổ chức hoành tráng, quy mô đến như vậy. Hào khí Thăng Long, nét văn hóa người Hà Nội, tinh thần dân tộc được thể hiện hơn bao giờ hết... Điều tôi hy vọng là làm sao tinh thần Đại lễ sẽ còn mãi, các công trình kỷ niệm Thủ đô ngàn năm tuổi sẽ được giữ gìn, bảo vệ, nhất là trong lĩnh vực môi trường và văn hóa giao thông. Người dân chúng tôi cũng như du khách quốc tế muốn thấy bộ mặt của Hà Nội sau Đại lễ xanh, sạch hơn, văn hóa ứng xử của người Hà Nội lịch lãm hơn, xứng với câu ca:"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Ông Nguyễn Đình Sáng (cán bộ hưu trí xã Văn Bình, huyện Thường Tín): Để xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến!
Đại lễ Thủ đô ngàn năm tuổi, tôi thấy chính quyền thành phố, các ngành, các quận, huyện đã thực hiện nhiều dự án, công trình, bộ mặt đô thị đã sạch đẹp, gọn gàng hơn, người dân đón tiếp trọng thể, chân tình khách trong và ngoài nước... Tôi rất hy vọng, với tinh thần và hành động kỷ niệm Đại lễ, thời gian tới Thủ đô sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý TTATGT đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng GTVT, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, các trục giao thông lớn, sân bay quốc tế để ngày càng xứng tầm với một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Mai Cẩm Tú - SV năm thứ 4, khoa Du lịch - Trường ĐH Mở Hà Nội: Cảm nhận niềm tự hào và trách nhiệm công dân Thủ đô
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mỗi gốc cây, con phố đều để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Hòa trong không khí náo nức chào đón Đại lễ, tôi càng cảm nhận được niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm công dân của một Thủ đô 1000 năm tuổi. Là sinh viên ngành Du lịch, Đại lễ là cơ hội "ngàn năm có một" để tôi được tận mắt chứng kiến những giá trị văn hóa, tinh thần, ẩm thực... của Hà Nội suốt chiều dài lịch sử 1000 năm nhằm phục vụ cho công việc khi ra trường. Hơn thế nữa, đây còn là dịp để quảng bá tốt nhất những hình ảnh về văn hóa- con người của Hà Nội nói riêng và bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung, đồng thời giới thiệu tiềm năng và cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch... với bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.