(HNM) - Sau khi sân cỏ World Cup chứng minh các ông kễnh chưa chắc đã là người khổng lồ và chú tí hon chưa chắc đã là kẻ lót đường, người hâm mộ bóng đá châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latin trở về ủng hộ các đại diện của mình.
Họ hồi hộp dõi theo từng bước đi của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Angiêri, Bờ Biển Ngà, Ghana, Camơrun, Hondurat, Urugoay… và tiếc nuối trước những thất bại của họ, vui mừng mỗi khi họ chiến thắng. Niềm vui tăng theo cấp số nhân khi đại diện duy nhất của châu Phi là Ghana vượt qua vòng bảng, rồi vượt qua vòng 16 đội để vào vòng tứ kết.
Nhưng đây không phải là bài bình luận về bóng đá. Người viết chỉ muốn nhân sự kiện này để bàn về một vấn đề xã hội rằng nước nghèo như nước ta cũng có thể có tên trên bản đồ bóng đá thế giới được nếu như quan tâm đến nó và tin tưởng rằng bóng đá nước nhà có thể vượt khỏi vùng trũng, không chỉ bằng tiền.
Công chúng yêu bóng đá Việt Nam chưa hẳn đã là công chúng cuồng nhiệt nhất thế giới, nhưng có lẽ cũng phải kể đến họ trong số những cổ động viên cuồng nhiệt trên trái đất này. Tôi đã từng tham dự các đêm người Việt Nam chào mừng chiến thắng của đội nhà. Hàng triệu người phần nhiều là giới trẻ đổ ra đường, hàng chục vạn lá cờ tổ quốc tung bay, tiếng quốc ca vang lên hùng tráng và cảm động khắp nơi. Giây phút ấy, không ai là người không muốn làm người Việt Nam, được tự hào là người Việt Nam. Chen chúc giữa dòng người nét mặt rạng ngời, đẫm nước mắt vì sung sướng, tôi nghĩ rằng nếu không có bóng đá, khó mà vận động được một cuộc tuần hành, một ngày hội lớn như thế. Bóng đá là món ăn tinh thần lành mạnh, là chất dinh dưỡng văn hóa không thể thiếu được; là một phương tiện giáo dục tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu tổ quốc, tình yêu con người hiệu quả. Ấy là mới chiến thắng trong phạm vi khu vực, nếu bóng đá Việt Nam vươn ra tới tầm châu lục, tới tầm thế giới, được có mặt trong 32 đội tuyển tại World Cup và lại chiến thắng nữa thì chưa hiểu niềm vui còn đến mức nào.
Có một nền tảng vô cùng quý giá như thế, nhưng chúng ta đang để bóng đá đi về đâu? Không nói gì nhiều, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng là hai cái nôi bóng đá của Việt Nam ngay khi chúng ta còn quá nghèo, còn chiến tranh, nhưng ngày nay ra sao? Đội tuyển TP Hồ Chí Minh, đến mong trụ lại ở hạng nhất cũng chưa xong. Còn Hà Nội? Chỉ cần liếc nhìn khán đài vắng vẻ của sân vận động Hàng Đẫy mỗi khi diễn ra các trận đấu sẽ rõ người Hà Nội buồn như thế nào với các đội bóng của mình. Trong khi đó, họ sẵn sàng thức hõm mắt xem các trận đấu diễn ra lúc nửa đêm trên TV.
Có rất nhiều nguyên nhân, trong phạm vi một bài báo ngắn, khó lòng nói hết nhưng xin nêu ra một nguyên nhân thôi, với mong muốn ít ra tình hình sẽ khác đi vì nền bóng đá nước nhà.
Bóng đá muốn phát triển được, tiền chỉ là một phần mà còn cần tài năng cộng với sự khổ luyện. Muốn có tài năng, phải trông vào lớp trẻ, thậm chí phải phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện theo cách chuyên nghiệp từ khi các em còn dưới 10 tuổi. Muốn có tài năng và phát hiện tài năng, phải có phong trào, có điều kiện để các em chơi bóng đá. Điều kiện hàng đầu để xã hội hóa bóng đá, để có phong trào bóng đá là sân bãi. Trước đây, tuy không to rộng, không trang bị đầy đủ, nhưng Hà Nội có hàng ngàn sân bãi ở khắp nơi từ thôn xã ngoại thành, trong khu nhà tập thể (nay gọi là chung cư), trong trường học đến từng góc phố, có những sân tuy dân dã nhưng rất nổi tiếng, từng sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ ngôi sao như sân Long Biên, sân Quần Ngựa, sân Khương Thượng… Những sân bãi bóng đá ấy bây giờ đâu? Nó đã bị những khu nhà, những con đường, những trung tâm thương mại nuốt mất. Trẻ em ở Hà Nội không còn chỗ chơi bóng đá. Sẽ đến lúc ký ức tuổi thơ của trẻ em Hà Nội với quả bóng giẻ, quả bóng bằng bưởi non nướng mềm, đá ở góc phố sẽ không còn nữa và cùng với nó, phong trào bóng đá cũng không còn, chỉ còn những đội bóng được đào tạo theo kiểu công nghiệp gà nòi. Trong tình trạng như vậy mà đòi hỏi bóng đá phát triển thì thật khó.
Trở lại với Nam Phi, Ghana, Paragoay, Urugoay hay bất kỳ một quốc gia nào đang có vinh dự tham dự vòng chung kết World Cup, dù nước giàu hay nước nghèo, họ đều quan tâm đến phong trào toàn dân đá bóng, đều có hệ thống sân bãi gấp hàng chục lần nước ta, do dân xây dựng và quản lý. Đừng nghĩ rằng họ vào đến bán kết là do ăn may, có được kết quả ấy là do họ đã có cả một nền bóng đá được xã hội hóa triệt để làm nền. Dù họ còn nghèo, còn thất nghiệp… nhưng với bóng đá thì họ phát triển hơn ta nhiều. Đó mới là xã hội hóa bóng đá thực sự.
Nói như vậy nhân kỳ World Cup, cũng là nhân việc quy hoạch Hà Nội được Quốc hội chấp thuận. Những gì đã xảy ra trong quá khứ ở nội đô thì đành chịu, nhưng còn có thể hy vọng vào Hà Nội mở rộng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.