(HNM) - Để đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), việc xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn từ trang trại đến bàn ăn là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, khi ý thức của người dân chưa cao và
Mô hình chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới bàn ăn tại trang trại của Công ty cổ phần Tiên Viên (Đại Yên - Chương Mỹ).
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thủ đô đã có từ 30 đến 40 trang trại (TT) xây dựng mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm bảo đảm chất lượng ATVSTP. Áp dụng mô hình này, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, sản phẩm được giá cao hơn khoảng 10% đến 25% so với sản phẩm nông sản thông thường. Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội nhận định, mặc dù lợi ích của việc áp dụng mô hình này rất lớn, nhưng rất khó nhân rộng bởi giá thành sản xuất cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện nay, mới chỉ có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, số còn lại thiếu tin tưởng nên sản phẩm an toàn vẫn bí "đầu ra". Bên cạnh đó, người nông dân, thậm chí cả DN khi tham gia vào hoạt động chuỗi vẫn có tâm lý ngại khó, thích lách luật... nên chưa thực hiện triệt để quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sản phẩm.
Anh Đặng Đình Tiên, chủ một TT ở xã Đại Yên (Chương Mỹ) cho biết, TT đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ trứng gà sạch mang nhãn hiệu Tiên Viên. Trung bình mỗi tháng, TT cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn, nhà hàng, khách sạn hơn 1 triệu quả trứng gà. Tuy nhiên, tại mỗi khâu đều có những tồn tại và vẫn chưa có quy trình chăn nuôi thống nhất với tất cả các trại cung cấp sản phẩm cho chuỗi dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Quá trình phân loại trứng, dán tem và đóng hộp vẫn tiến hành theo phương thức thủ công làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Thị trường tiêu thụ cũng chỉ tập trung tại một số ít quận nội thành và các siêu thị, nhà hàng nhỏ nên chưa thể cạnh tranh được với các gánh hàng rong, các sạp bán hàng tạp hóa nhỏ trong các khu dân cư. Hiện nay, giá bán của trứng gà sạch chỉ cao hơn so với trứng gà thường 10%. Cùng chung trăn trở này, ông Nguyễn Trọng Long, chủ TT chăn nuôi 3.000 con lợn ở xã Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, cái khó lớn nhất đối với TT của ông vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm bởi người tiêu dùng chưa hào hứng với sản phẩm sạch.
Ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, phương thức làm ăn nhỏ lẻ, chộp giật phải được thay thế bằng cách làm ăn liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới bàn ăn. Đây là mục tiêu mà ngành chăn nuôi cả nước hướng tới, nhưng để đạt được việc này không đơn giản bởi chăn nuôi ở nước ta vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Để người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm thịt sạch thì từ khâu chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, chăm sóc, chuồng trại đến vận chuyển, giết mổ, bảo quản, chế biến… phải bảo đảm các tiêu chuẩn ATVSTP. Để nhiều địa phương hưởng ứng áp dụng mô hình này trong chăn nuôi, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế thuận lợi, ưu đãi về vốn, được ký hợp đồng thuê đất lâu dài để người chăn nuôi yên tâm sản xuất… Các địa phương cần tăng cường quảng bá, giới thiệu rộng rãi về vùng sản xuất an toàn, tập thể và cá nhân sản xuất, kinh doanh an toàn để tạo thói quen cho người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng: Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho các TT cũng như người dân áp dụng mô hình chuỗi liên kết, đặc biệt là việc lưu thông sản phẩm. Hiện nay để có một cửa hàng bán sản phẩm này trên địa bàn Hà Nội không dễ bởi giá thuê mặt bằng quá cao, trong khi lợi nhuận từ sản phẩm nông nghiệp thấp nên cần có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất thuê mặt bằng bán hàng và giới thiệu sản phẩm… Nếu tháo được nút thắt ở khâu lưu thông sẽ tạo cho mô hình này có cơ hội phát triển và nhân rộng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.