(HNM) - Sau hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, sáng 12-11 (theo giờ Việt Nam), Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức New Open World xướng danh là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Dù rằng vài tháng nữa, kết quả chính thức mới được công bố, nhưng con Lạc cháu Hồng hoàn toàn có thể tự hào về Vịnh Hạ Long, về tiến trình bầu chọn với rất nhiều nỗ lực. Trong đêm hội chào mừng sự kiện này, các nhà quản lý đã không quên đề cập đến việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu và quảng bá du lịch Hạ Long và đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của không chỉ người dân Quảng Ninh với Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ vậy thôi, có lẽ chưa đủ.
Một vận hội mới đang mở ra cho ngành du lịch Việt Nam. Điều này không sai. Bởi lẽ chỉ hai năm sau khi bảy kỳ quan văn hóa mới của thế giới được công nhận (2007), lượng khách du lịch đến các kỳ quan này tăng gấp 3 lần - một con số khá ấn tượng. Do vậy, một chiến lược phát triển thương hiệu và quảng bá du lịch Hạ Long là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên nó phải được tiến hành song song với hàng loạt công việc về bảo tồn di sản, bảo tồn văn hóa. Các nhà quản lý cũng đã nói khá nhiều về kiểu làm du lịch "mỳ ăn liền" nhưng vấn đề không chỉ ở cung cách làm ăn. Cốt lõi là phải thay đổi tư duy làm du lịch để du khách cảm nhận được giá trị mềm của vùng di sản, là văn hóa đặc sắc của cả một vùng miền.
Trải qua quá trình kiến tạo hơn 500 triệu năm, Vịnh Hạ Long đã trở thành nền tảng phát sinh các giá trị vô giá của loài người như đa dạng sinh học, văn hóa, khảo cổ và các giá trị nhân văn khác bên cạnh bề dày lịch sử địa chất, địa mạo. Là một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại và với người dân Việt Nam, Vịnh Hạ Long còn chứa đựng một chiều sâu văn hóa, tâm linh thể hiện qua các truyền thuyết về con Rồng, cháu Tiên, về Thăng Long, Hạ Long; qua những chứng tích lịch sử như thương cảng Vân Đồn, núi Bài Thơ… Tuy nhiên, không phải người Việt nào cũng hiểu điều đó. Nếu người dân không hiểu về giá trị của di sản đã trở thành niềm tự hào của người dân nước Việt, cũng khó hình thành ý thức để chung tay bảo vệ?
Một vấn đề nữa, từ nhiều năm qua, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về quá trình ăn mòn đá của các đảo trên Vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái, hòn Gà Chọi… đang ở trong tình trạng hết sức mong manh. Người ta không thể nhìn thấy sự xâm hại của nước biển và tất nhiên trong điều kiện hiện nay, có thể sử dụng kỹ thuật để hạn chế tác động của sóng biển nhưng nếu mọi người đều thờ ơ với sự nguy hiểm mà di sản đang hứng chịu lại là cả vấn đề. Và nếu những người dân sống trong vùng, được hưởng lợi nhiều nhất từ di sản, không quan tâm đến điều đó thì thật càng đáng trách. Giá trị của di sản đối với một quốc gia khó có thể cân đong. Giá trị của việc Vịnh Hạ Long được bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng không thể một lúc mà đem ra đo đếm.
Với việc Vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, chắc chắn Quảng Ninh sẽ không mở rộng đô thị bằng cách đào núi và lấp biển như những năm trước. Thế nhưng để khai thác hiệu quả Vịnh Hạ Long trong vai trò là di sản của nhân loại và là "của để dành" cho con cháu, không chỉ cần thay đổi tầm nhìn, cách tư duy về khai thác mà còn phải thay đổi cả cách gìn giữ di sản. Và như vậy trách nhiệm thôi chưa đủ, phải có những hành động thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.