Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không “bỏ quên” chất lượng dân số

Thu Trang| 05/08/2013 05:57

(HNM) - Dân số Thủ đô hiện đã là hơn 7,1 triệu người và Hà Nội đã trở thành thành phố đông dân thứ hai của cả nước.

"Vượt" mục tiêu về số dân

Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020 thì mục tiêu phát triển dân số của Hà Nội đến năm 2015 là 7,2 -7,3 triệu người, đến năm 2020 khoảng 7,9-8 triệu người. Thế nhưng, tính ở thời điểm hiện tại, dân số Thủ đô đã đạt hơn 7,1 triệu người. Nếu tốc độ tăng dân số giữ ở mức như hiện tại thì đến năm 2015, số dân ở Hà Nội sẽ chạm ngưỡng 7,6 triệu người, "vượt" mục tiêu chiến lược dân số, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và phát triển đô thị.

Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Huyền Linh


Phân tích của những chuyên gia về kinh tế và xã hội chỉ rõ, tăng dân số sẽ làm tăng nhân tố tiêu dùng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ công cộng như: Giao thông, nhà ở, bệnh viện, trường học… Điều này đã và đang thấy rõ ở Hà Nội, đặc biệt, đối với khu vực nội đô. Với mật độ dân số có nơi trên 30.000 người/km2, việc cung cấp dịch vụ công cộng như giao thông, giáo dục, giải trí, chăm sóc sức khỏe càng trở nên căng thẳng.

Trong khi đó, công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như địa bàn rộng, dân cư đông, trình độ dân trí không đồng đều giữa khu vực nông thôn và thành thị trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác dân số còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên sâu. Nhận thức về công tác DS-KHHGĐ; mức thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cũng có khoảng cách và khác biệt giữa các khu vực. Thực tế cho thấy, tại khu vực ngoại thành, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Tâm lý "trời sinh voi, sinh cỏ", thích đông con nhiều cháu, "trọng nam, khinh nữ" đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức người dân ở những vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn. Cùng với đó, chính quyền địa phương tại những nơi này còn xem nhẹ công tác DS-KHHGĐ, chưa thấy hết tính chất khó khăn, phức tạp của vấn đề bùng nổ dân số trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Giảm số lượng, tăng chất lượng

Trước thực tế đó, ngành DS-KHHGĐ của Hà Nội xác định, năm 2013 sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt hai chỉ tiêu kế hoạch về giảm sinh và sinh con thứ 3. Những mục tiêu này được đề ra trên cơ sở những kết quả đạt được của công tác DS-KHHGĐ trong những năm gần đây.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhờ thống nhất một cơ chế, một mô hình tổ chức, một chính sách đối với 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn nên công tác dân số đã có được những kết quả khả quan. Đặc biệt, các huyện của Hà Tây cũ đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách dân số. Nếu như năm 2008, tỷ suất sinh thô là 16,88%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,84%, trong đó một số nơi có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như: Thạch Thất 19,69%, Ứng Hòa 20,37%, Quốc Oai 18,83%, Hoài Đức 20,06%, Mê Linh 20,30%… thì đến nay, chỉ số này đã giảm rõ rệt (dưới 14%). Huyện Phúc Thọ có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất là 19,02%.

Để đạt mục tiêu giảm sinh, nhất là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tập trung vào công tác truyền thông. Như chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Tạ Quang Huy, ngành dân số Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt tập huấn cho báo cáo viên dân số về kỹ năng truyền thông, cung cấp các thông tin, kiến thức về DS-KHHGĐ. Trong hoạt động truyền thông, việc phân loại các nhóm đối tượng tuyên truyền (mỗi nhóm đối tượng cụ thể sẽ có hướng tiếp cận riêng phù hợp) đã được ngành triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Vì thế, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các địa bàn trọng điểm có tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 cao như Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn… Đồng thời, chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đợt 2 tại 41 xã trọng điểm vẫn tiếp tục được triển khai.

Quan tâm đến số lượng, ngành cũng không "bỏ quên" chất lượng dân số, ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh. Để nâng cao chất lượng dân số, một trong những giải pháp sẽ được triển khai trong những tháng cuối năm là chú trọng tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, triển khai khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không “bỏ quên” chất lượng dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.