(HNM) - Nghiên cứu do Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện trên 300 đại diện hộ gia đình sử dụng người giúp việc và 300 người làm công việc này ở Hà Nội mới đây cho thấy đây là lực lượng lao động không hề có chuyên môn.
Thiếu chuyên môn
Người sử dụng lao động luôn mong muốn người lao động trước khi ký hợp đồng phải được đào tạo cơ bản cách sử dụng đồ điện, nấu các món ăn, cách chăm giữ trẻ em, chăm sóc các cụ già. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người lao động biết sử dụng các thiết bị thông dụng trong gia đình ở đô thị không cao. Theo bà Trần Thị Hồng (Viện Gia đình và Giới), chỉ có 19,3% người lao động biết sử dụng máy giặt, 6,7% biết sử dụng lò vi sóng. Tỷ lệ người lao động biết sử dụng tủ lạnh là 32%, biết sử dụng bếp ga là 40%, nồi cơm điện là 61,3%, tivi là 82%.
Người giúp việc cần được trang bị kỹ năng nội chợ. Ảnh: Quang Hùng |
Việc người giúp việc gia đình không được đào tạo khiến người sử dụng gặp khó khăn trong hướng dẫn họ làm việc nhà. Có 23,3% gia đình phải rất vất vả mới chỉ bảo được cho người giúp việc biết sử dụng thành thạo các thiết bị. Điều đáng nói là trình độ học vấn của lao động giúp việc rất thấp: 15% chỉ học xong tiểu học và cũng chỉ có hơn 20% có trình độ trung học phổ thông. Điều này khiến các gia đình thuê giúp việc gặp nhiều khó khăn trong hướng dẫn đào tạo.
Trên thực tế, ngay chính bản thân người lao động cũng cảm thấy khó khăn trong thời gian đầu làm nghề khi chưa được đào tạo. Một nữ giúp việc gia đình cho biết, cuộc sống ở thành thị rất khác với cuộc sống ở nông thôn. Chỉ đơn giản như ở nhà thường đun bằng rơm rạ, ở đây phải dùng bếp ga, nhiều khi bật mãi không được. Tình trạng người giúp việc làm hư hỏng các thiết bị rất dễ xảy ra khiến chủ nhà không hài lòng, ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên. Một số trường hợp, người lao động phải bồi thường thiệt hại bằng cách trừ vào tiền công. Vì thiếu chuyên môn nên cả hai phía, chủ nhà và người giúp việc, đều gặp khó khăn.
Ý thức học nghề kém
Người giúp việc gia đình hiện nay phần lớn là lao động phổ thông. Đa số các trung tâm giới thiệu lao động chỉ tìm người và giới thiệu cho các gia đình, rất ít nơi kiêm thêm việc đào tạo. Điều đáng quan tâm là trong khi có nhiều cơ sở đào tạo nghề giúp việc gia đình phục vụ cho thị trường xuất khẩu nhưng phục vụ cho nhu cầu trong nước thì bỏ ngỏ.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay là người lao động không muốn bỏ tiền học nghề, còn người sử dụng lao động liệu có muốn chi trả nhiều hơn cho những người đã qua đào tạo? Thực tế cho thấy, gần đây, đón bắt được nhu cầu của xã hội, một vài công ty đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo trình độ sơ cấp cho lực lượng lao động này cả về kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp lẫn cách sử dụng các trang thiết bị trong nhà, làm bếp, dọn vệ sinh... Có nơi còn dạy cách chăm trẻ, nâng giấc người già. Các học viên được đào tạo một cách bài bản theo chương trình đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định và được cấp chứng chỉ nghề hẳn hoi.
Chính vì vậy, ngay sau khi hoàn thành khóa học, họ có ngay việc làm với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi hỏi về nhu cầu học nghề giúp việc gia đình, chỉ có 54% người lao động muốn được đào tạo một trong bốn kỹ năng: cách làm việc nhà phù hợp với đặc điểm địa phương của nơi sẽ đến làm việc; cách sử dụng các vật dụng trong gia đình; kỹ năng ứng xử văn hóa, cách sống của nơi sẽ đến làm việc; quyền lợi và trách nhiệm của mình và chủ nhà. Số còn lại hoặc không có nhu cầu hoặc thấy việc đào tạo là không cần thiết. Không ít người lao động cho rằng, làm việc nhà là công việc đơn giản, giống như họ đã làm từ trước đến nay và những kinh nghiệm đã tích lũy được sẽ giúp họ đảm nhận nghề giúp việc gia đình mà không cần thiết phải đào tạo thêm.
Đào tạo nghề cho lao động giúp việc gia đình cho đến nay vẫn là một câu chuyện nan giải. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực hiện dự án để hai trung tâm giới thiệu việc làm của Hội tiếp nhận đăng ký và đào tạo các kỹ năng cần thiết cho lao động giúp việc gia đình nhưng số lượng lao động đăng ký học quá ít. Cách suy nghĩ làm công việc vặt trong nhà cần gì phải học đã ăn sâu trong nếp nghĩ của những người chọn công việc này để kiếm sống vì họ chủ yếu xuất thân ở nông thôn. Bởi thế, chỉ khi nào người lao động thay đổi suy nghĩ, coi giúp việc gia đình như một nghề chứ không phải là việc làm để thêm thu nhập lúc nông nhàn thì việc đào tạo có lẽ mới có thể thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.