(HNM) - “Bắt tay” thao túng giá, gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng; sử dụng hành vi cạnh tranh không lành mạnh để chèn ép đối thủ cùng ngành nghề... là những hành động vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh.
Sửa đổi Luật Cạnh tranh sẽ tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Viết Thành |
Người tiêu dùng chịu thiệt
Với sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, sau hơn 10 năm thực thi, Luật Cạnh tranh đã bộc lộ nhiều bất cập bởi những cái "bắt tay" thỏa thuận giữa các doanh nghiệp; những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích của chính cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Dẫn chứng về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phân tích về mối quan hệ giữa giá xăng và giá cước vận tải. Trong 6 tháng (từ tháng 7-2014 đến tháng 1-2015), giá xăng dầu được điều chỉnh 14 đợt, giảm 39%, song giá cước vận tải chỉ giảm 3-10%. Có thời điểm, giá xăng giảm 16-17%, song giá cước taxi vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, theo các chuyên gia, giá xăng dầu chiếm khoảng 30-40% chi phí vận tải. Nếu giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm khoảng 3,5-4%. Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng đã bị “móc túi” khoản tiền lớn do giá cước vận tải hành khách không “chịu” giảm theo giá xăng, bởi các doanh nghiệp vận tải đều đồng loạt không... giảm giá. Tình huống này cũng cho thấy có dấu hiệu thỏa thuận giá, vi phạm Luật Cạnh tranh.
Câu chuyện giá sữa tại Việt Nam cao một cách phi lý so với các nước trong khu vực và trên thế giới vào năm 2015 cũng là một minh chứng rõ nét về tình trạng vi phạm Luật Cạnh tranh. Cụ thể, ở thời điểm giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm 12-20%, nhưng giá sữa bột thành phẩm trong nước không giảm. Trong khi Luật Cạnh tranh 2004 thời điểm đó đã có hiệu lực từ lâu, song câu chuyện giá sữa lại chưa được xem xét dưới góc độ liệu có "thỏa thuận ngầm" hạn chế cạnh tranh hay không?
Trước những bất cập bộc lộ sau hơn 10 năm thực thi, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết. Nêu ý kiến về việc Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có thể xung đột với các luật khác, đại biểu Quốc hội Triệu Tài Vinh (Đoàn Hà Giang) dẫn chứng về việc xung đột giữa những người nuôi giống ong truyền thống tại tỉnh Hà Giang với một số người nuôi giống ong nhập khẩu ở địa phương khác khi đưa đàn ong về địa bàn tỉnh này. Sự việc xảy ra, người đứng ra bảo vệ tự do thương mại, người khác lại cho rằng cần bảo vệ tính đa dạng sinh học dẫn đến xung đột pháp lý kéo dài...
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cũng chỉ ra nội dung tại Điều 11 của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định 10 khoản về hành vi hạn chế cạnh tranh, nhưng so với thực tế, còn rất nhiều nội dung như: Thỏa thuận ấn định giá, tăng giá, giảm giá… chưa được đưa nêu trong luật. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định chi tiết về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cạnh tranh quốc gia để bảo đảm tính độc lập và hiệu lực khi xử lý sai phạm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua khảo sát 100 quốc gia, có 45 quốc gia có cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ; 21 quốc gia có cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Quốc hội, còn lại là trực thuộc bộ. |
“Hiến pháp” của nền kinh tế thị trường
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia, một số đại biểu cho rằng, cơ quan cạnh tranh quốc gia độc lập phải thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, chức năng của cơ quan cạnh tranh quốc gia là tham mưu, xử lý nhiều lĩnh vực. Nếu trực thuộc Bộ Công Thương, cơ quan này có giải quyết được tất cả các vụ cạnh tranh, trong đó có nhiều vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hay không?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Cạnh tranh, tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đại biểu Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, có thể xem Luật Cạnh tranh là “hiến pháp” của nền kinh tế thị trường bởi nguyên tắc nền tảng để hướng đến kinh tế thị trường là bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới thì Luật Cạnh tranh càng trở nên quan trọng.
Về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau khi đề xuất cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ để bảo đảm tính độc lập trong quá trình hoạt động và trình Chính phủ cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Ban soạn thảo nhận được ý kiến chỉ đạo theo hướng không làm tăng biên chế, tăng đầu mối cơ quan. Do đó, cùng với việc đưa ra quy định cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, Ban soạn thảo đã và đang hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành bảo đảm tính độc lập, hiệu quả của cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết. Việc hoàn thiện thể chế cạnh tranh là để tăng cường tính minh bạch, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, song Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh thổ Việt Nam cần có những cơ chế bảo đảm khả thi.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư, ngày 15-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án luật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.