(HNM) - Dù đã được quy hoạch là chợ, nhưng sau 3 năm hoạt động, chợ dân sinh ở tổ 7, phường Giang Biên (Long Biên) vẫn không có ban quản lý chợ, không có quầy, kệ và hệ thống thoát nước...
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, khu lò gạch, ao làng, thuộc địa phận làng Quán Tình cũ (nay là tổ 7 phường Giang Biên) được san lấp, đổ nền bê tông để xây dựng chợ dân sinh. Phần đất nằm sát mặt đường phố Kẻ Tạnh được quy hoạch xây dựng dãy kiốt và toàn bộ diện tích bên trong để kinh doanh thực phẩm, phục vụ đời sống dân sinh. Tuy nhiên, dãy kiốt đó chỉ được xây dựng móng và một phần tường rồi bỏ dở gần 3 năm nay, trở thành dãy nhà không mái, tường gạch hoang phế, nơi chứa rác, phế thải xây dựng và là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Liền kề với nguồn ô nhiễm này là chợ dân sinh đã đi vào hoạt động. Thế nhưng chủ đầu tư cũng chỉ xây dựng một dãy mái tôn, không hề có bàn hay bục cao hơn nền chợ, cũng không có hệ thống thoát nước thải. Các chủ kinh doanh thịt lợn, thịt gà, thịt bò tự kê bàn để bày hàng; còn chủ kinh doanh hoa quả thì bày hàng hóa thẳng xuống nền chợ. Ngoài khu nền được dựng mái tôn, các hàng quán kinh doanh tùy tiện dựng cột, căng bạt, lợp tôn khắp nơi. Chính vì thế mà có tình trạng hàng cá tươi sống ngồi cạnh hàng bánh mỳ, bánh nếp; rau tươi ngồi cạnh hàng nước mắm, hóa phẩm...
Việc thu phí kinh doanh tại chợ cũng tùy tiện, với mức 120.000 đến 150.000 đồng/ tháng/quầy trong mái tôn; 100.000 đồng/tháng/quầy bên ngoài. Với các hộ kinh doanh không ổn định, mức thu từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/1 buổi sáng hoặc chiều. Theo những người kinh doanh tại đây, dù họ phải nộp phí như vậy, nhưng nếu có hỏng hóc, mất mát gì thì không có ai chịu trách nhiệm. Điều đáng nói, từ khi chợ hoạt động đến nay chưa có hoạt động kiểm dịch, kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ. Đã từng có tư thương đến đây bán trứng với giá rất rẻ, khi hàng loạt khách mua phát hiện trứng bị ung cũng chẳng biết kêu ai. Thịt gia súc, gia cầm, thủy sản sơ chế tại chợ đều không được kiểm tra nguồn gốc, kiểm dịch... Nước sơ chế cá tươi, gà, vịt sống chảy lênh láng trên nền chợ. Cả khu chợ không hề có thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong khi bạt vải, bạt ni lông, dây buộc... căng lộn xộn, chằng chịt.
Dù đã được chuyển từ xã lên phường, song chợ dân sinh ở phường Giang Biên vẫn tổ chức tùy tiện và thiếu những điều kiện tối thiểu không khác gì một chợ tự phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.