(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc kiểm tra các dự án khu đô thị mới được thực hiện trong tháng 11-2012, với nội dung chủ yếu là rà soát quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội và yêu cầu chủ đầu tư bổ sung điều lệ quản lý thực hiện dự án, trong đó ấn định rõ tiến độ xây dựng công trình hạ tầng.
Các dự án khu đô thị mới phải được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trước khi bàn giao cho người sử dụng. Ảnh: Đàm Duy |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư cấp 1 sẽ là đầu mối quản lý toàn bộ mặt bằng dự án, quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng, kinh doanh của các chủ đầu tư cấp 2 nên sẽ phải báo cáo đầy đủ, toàn diện tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị mới; nêu cụ thể công trình, hạng mục đúng quy hoạch được duyệt, công trình, hạng mục sai hoặc không thực hiện so với quy hoạch; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất, thuê đất, diện tích đất và sàn nhà ở bàn giao theo quy định của thành phố. Đặc biệt, chủ đầu tư sẽ phải báo cáo việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và ấn định thời hạn hoàn thành; báo cáo việc chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư cấp 2, quy mô dự án gồm diện tích nhà ở, hạ tầng xã hội, công trình công cộng; báo cáo việc huy động vốn, tiêu thụ sản phẩm, phương thức giao dịch; báo cáo việc sử dụng nhà ở sau khi hoàn thành… Tổng cộng có khoảng 17 nội dung mà chủ đầu tư phải chuẩn bị báo cáo.
Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dự án (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, vấn đề của các dự án khu đô thị mới hiện nay là thiếu một đầu mối quản lý. Nói cách khác, có nhiều bộ phận, nhiều cơ quan, nhiều cấp cùng quản lý, nên chồng chéo, dẫn đến tình trạng lúng túng, nơi này tưởng nơi kia làm… Chưa kể tâm lý khu đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết có nghĩa là bất khả xâm phạm nên gần như bị bỏ lửng mặc chủ đầu tư. Hệ lụy là có dự án thay đổi cả quy hoạch không ai biết; huy động vốn trước khi đủ điều kiện không ai hay. Đến khi người dân khiếu kiện, bùng lên mâu thuẫn giữa chủ đầu tư - khách hàng thì hậu quả đã lớn, rất khó xử lý. Nguy hại hơn là tình trạng làm nhà để bán trước, làm trường học sau, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở hầu hết các dự án khu đô thị nên nhà bàn giao không có người ở, gây bức xúc trong dư luận. Ông Tuấn cũng thừa nhận, do không có sự quản lý chặt chẽ nên đến nay chưa có được hệ thống số liệu cụ thể, đồng bộ để có cái nhìn tổng thể, toàn diện về các khu đô thị mới. Từ đó, cũng không thể làm rõ được trách nhiệm của chủ đầu tư; xác định sai ở đâu, sai thế nào để có hướng xử lý theo quy định. "Đây là lần kiểm tra, rà soát toàn diện, đồng bộ các dự án khu đô thị mới" - ông Tuấn nói.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 152 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới (có quy mô 20ha trở lên), với tổng diện tích chiếm đất 44.687ha, năng lực thiết kế hơn 2 triệu dân. Tuy nhiên, mới có 10 khu đô thị trong số đó cơ bản hoàn thành (quy mô khoảng 466ha); 50 khu đô thị đang triển khai xây dựng (quy mô khoảng 28.900ha); 92 dự án khu đô thị mới đã phê duyệt quy hoạch, đang giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư hoặc mới thi công hạ tầng kỹ thuật. Phân loại theo địa giới hành chính, Hà Nội (cũ) có 51 dự án, Hà Tây (cũ) có 69 dự án. Riêng 3 xã thuộc tỉnh Hòa Bình (cũ) có 10 dự án và huyện Mê Linh có 22 dự án, chưa kể rất nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. Mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, một lượng lớn BĐS tập trung tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh "tồn đọng" chưa tiêu thụ được. Để giải quyết ách tắc cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị tạm dừng các dự án chưa triển khai hoặc mới làm hạ tầng, chưa xây dựng nhà ở. Căn hộ "ế" có thể chia nhỏ diện tích để giảm giá bán. Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong giai đoạn tăng "nóng" các địa phương phê duyệt dự án dễ dãi, nhiều dự án không có hạ tầng, không khớp nối với hạ tầng khu vực dẫn đến dự án bỏ hoang, không sử dụng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.