Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ảnh hưởng đến Việt Nam

Thế Dũng| 13/04/2011 07:02

(HNM) - Tối qua (12-4), Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Nhật Bản) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) có thông báo mới nhất về tình hình ảnh hưởng đến Việt Nam trong ngày 12-4.


hà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

Theo đó, trong son khí ở Lạng Sơn do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đo đạc, đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, Cs-134 và Cs-137 ở mức rất thấp. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đo đạc mẫu son khí tại Đà Lạt và Ninh Thuận cho thấy, trong son khí ở Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất) tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131. Trong son khí ở Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7, K-40, Th-232 và U-238, còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137. Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - VARANS) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 12-4 so ngày 11-4.

Trong khi đó, số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ của các trạm thuộc tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho thấy, tại Philippines ghi nhận được I-131, Cs-137 với nồng độ rất thấp. Trạm tại Malaysia cũng ghi nhận được I-131, nhưng ở mức độ còn thấp hơn nhiều so với trạm ở Philippines. Các hình ảnh dự đoán cho thấy đám mây phóng xạ có thể đang đi qua lãnh thổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, cho tới thời điểm này trạm quan trắc đặt tại Philippines vẫn chưa ghi nhận được có sự thay đổi đáng kể nồng độ hạt nhân phóng xạ trong không khí. Và dù có sự thay đổi đáng kể, thì nền phông phóng xạ hiện tại vẫn không thay đổi vì nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được hiện nay rất thấp so với mức cho phép và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bộ KHCN cũng cho biết, ngày 12-4, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản công bố tạm thời nâng mức xếp loại cho sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 từ mức 5/7 lên mức 7/7, mức cao nhất trong thang phân loại sự cố hạt nhân quốc tế (INES) của IAEA, ngang bằng với tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986. "Tuy vậy, Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA) cho biết, lượng phóng xạ này chỉ bằng khoảng 10% so với tai nạn Chernobyl. Sự thay đổi này được Nhật Bản đưa ra dựa trên ước tính về lượng phóng xạ đã phát tán ra khí quyển từ tai nạn tại Nhà máy Fukushima số 1. Sự phát tán phóng xạ này hiện vẫn đang tiếp tục. Việc công bố xếp loại thang sự cố mới không có nghĩa là sự cố đã trầm trọng hơn so với ngày hôm qua, mà chỉ là đánh giá lại tình trạng thực tế của sự cố đã xảy ra" - thông báo của Bộ KHCN khẳng định.

Bình luận về việc NISA nâng hạng sự cố Fukushima số 1 lên mức 7, TS. Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng VARANS (Bộ KHCN) cho biết, việc nâng hạng chứng tỏ các vấn đề đang diễn ra ở Fukushima rất nghiêm trọng. Ngày 11-3, khi tai họa động đất và sóng thần xảy ra, sự cố này được xếp mức 4, tiếp đến là mức 5. Ở cấp 7, chứng tỏ nó ở mức là thảm họa đối với môi trường, nhất là những khu vực lân cận. Tuy nhiên, vấn đề này phải cần có thời gian mới làm rõ được.

Đề cập đến việc liệu Việt Nam có ảnh hưởng gì từ việc nâng mức nguy hiểm của NISA hay không, TS. Ngô Đặng Nhân cho rằng, việc này tưởng chừng có liên quan nhưng thực ra là không. Theo đó, khi sự cố Chernobyl xảy ra năm 1986, Việt Nam cũng đo được các liều lượng phóng xạ tương tự như thời gian qua, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Liều lượng phóng xạ này là rất nhỏ, thấp hơn tiêu chuẩn quy định hàng nghìn lần. Vì thế không hề ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như đời sống sinh hoạt của con người trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Bản chất của sự cố tại Chernobyl và Fukushima số 1 là khác nhau, vì lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl bị nổ khi đang hoạt động mà không có bộ phận bảo vệ trong khi câu chuyện tại Fukushima số 1 hoàn toàn khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ảnh hưởng đến Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.