(HNM) - Trong khi người dân nhiều huyện ngoại thành Hà Nội thiếu nước sinh hoạt thì cả hai trạm cấp nước tại các xã Kim Lan, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) được xây dựng và hoàn thành 5-6 năm nay với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng vẫn
Đầu tư thiếu đồng bộ
Cỏ cây bao trùm toàn bộ bệ chứa một trạm cấp nước tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Thu Hằng
Từ năm 2000 đến 2003, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư xây dựng các trạm cấp nước ở xã Kim Lan, Ninh Hiệp với tổng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng trạm cấp nước xã Ninh Hiệp, giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư có số vốn 8,946 tỷ đồng, giai đoạn 2 do UBND xã Ninh Hiệp làm chủ đầu tư lắp hệ thống đường ống dịch vụ và đường ống đến hộ gia đình (tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 6,5 tỷ đồng). Dù đã hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Ninh Hiệp quản lý, khai thác từ năm 2006, nhưng đến nay công trình này chưa cấp được giọt nước nào cho dân. Tương tự, dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước xã Kim Lan được khởi công năm 2003, đến năm 2005 thì hoàn thành với số vốn gần 5 tỷ đồng. Do chưa có đường ống dịch vụ đấu nối vào nhà dân nên từ khi bàn giao cho UBND xã Kim Lan quản lý, trạm này chưa hoạt động được. Trước thực trạng đó, năm 2008, UBND huyện Gia Lâm đã đầu tư thêm kinh phí lắp đặt hệ thống đường ống dịch vụ với tổng chiều dài 16.700m nhưng đến nay trạm vẫn đóng cửa im ỉm.
Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Toản cho rằng, cả hai công trình phải "đắp chiếu" là do đầu tư thiếu đồng bộ. Cả hai trạm cấp nước, giai đoạn 1 chỉ được UBND TP Hà Nội đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục chính như nhà điều hành, cụm giếng khoan, cụm xử lý nước, bể chứa, đường ống chính, còn việc lắp đặt đường nhánh và ống vào từng hộ dân phụ thuộc vào kinh phí địa phương và nhân dân đóng góp. Do thiếu kinh phí triển khai giai đoạn sau nên các trạm không thể hoạt động được. Nguyên nhân nữa là do dự án chia làm nhiều giai đoạn, nhiều chủ đầu tư không kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công dẫn đến chất lượng một số hạng mục chưa đạt yêu cầu...
Ai chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm thừa nhận: Do lâu ngày không hoạt động dẫn đến nhiều hạng mục của các trạm cấp nước trên địa bàn đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, một số hạng mục không thể sử dụng được nữa. Khảo sát tại trạm cấp nước Ninh Hiệp cho thấy: Do hoàn thành quá lâu, trạm cấp nước không được vận hành, việc duy tu, bảo dưỡng cũng không được quan tâm nên đến nay một số hạng mục như nhà trạm bơm, hệ thống bơm cấp II, hệ thống khử trùng, bể lắng, lọc đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND xã Ninh Hiệp, sau khi hoàn thành lắp đặt đường ống tới 3.400 hộ dân trong xã, xã đã tiến hành bơm nước thí điểm cho 240 hộ ở 5 thôn. Tuy nhiên, do một số hạng mục xuống cấp, hệ thống đường trục chính có nhiều đoạn bị rò rỉ nên nước rất yếu, khi trạm vận hành chỉ có một số hộ đầu nguồn nước chảy được lên cao 3-3,5m, các hộ ở cuối nguồn, nước chảy rất nhỏ, thậm chí không có nước.
Để các công trình tiền tỷ "đắp chiếu" gây lãng phí tiền của Nhà nước và bức xúc trong nhân dân là không thể chấp nhận. Vậy ai là người chịu trách nhiệm? Theo ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội), để xảy ra tình trạng lãng phí này một phần trách nhiệm thuộc về trung tâm và UBND huyện Gia Lâm - đơn vị chủ đầu tư. Tuy nhiên, các xã được hưởng lợi từ dự án cũng phải gánh một phần trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng các trạm. Bên cạnh đó, trong quá trình lập dự án, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, do quá nóng vội để "kéo" dự án về địa phương trong khi chưa khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân nên huyện Gia Lâm đã để xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Hiện nay, cả hai trạm cấp nước sạch của huyện Gia Lâm đều đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục không thể sử dụng lại được, bắt buộc phải đầu tư xây dựng mới hoàn toàn. Do vậy, nếu chính quyền các xã Kim Lan, Ninh Hiệp và cơ quan chức năng huyện Gia Lâm không bàn bạc, tính toán và khảo sát kỹ mức đầu tư các hạng mục, đặc biệt khảo sát nhu cầu sử dụng nước của nhân dân... thì chắc chắn việc đầu tư sẽ lặp lại tình trạng lãng phí như giai đoạn trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.