(HNM) - Nắng nóng kéo dài khiến người chăn nuôi khốn khổ vì lo âu cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Đáng ngại, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, nhất là trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại thiếu hệ thống thông gió. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, công tác chống nắng, nóng đang được các địa phương triển khai quyết liệt.
Đánh vật với nắng nóng
Thời tiết hiện nay ở hầu khắp các địa phương rất oi bức, có hôm nắng nóng lên đến 39-40 độ C, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi GSGC. Tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), người dân tìm đủ biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi. Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ một trang trại chăn nuôi cho biết: Nắng nóng, người tiêu dùng hạn chế sử dụng thực phẩm nên giá giảm mạnh. Trung bình trang trại của anh Lâm cung cấp từ 50 đến 60 tấn thịt lợn/tháng, nhưng từ tháng 3 đến nay, lượng tiêu thụ chỉ còn 30-40 tấn thịt lợn/tháng. Trong khi đó, chi phí chăn nuôi ở thời điểm này cao hơn 5-10% so với các tháng trong năm. Với quy mô 500 lợn thương phẩm và 50 lợn nái, chỉ riêng chi phí điện của trang trại đã lên đến 50-60 triệu đồng/tháng, cao hơn 10-15 triệu đồng so với các tháng mùa đông.
Tương tự, các trang trại chăn nuôi gà cũng lao đao vì nắng nóng. Anh Nguyễn Trọng Chữ, ở huyện Thanh Trì cho biết: Mùa hè, chăn nuôi gà lãi thấp, tỷ lệ gà đẻ trứng giảm 10-12%. Để chống nóng cho gà, trang trại của anh Chữ đã đầu tư tăng cường thêm quạt cây, quạt treo tường làm mát chuồng trại. Còn chị Nguyễn Thị Hải, ở huyện Phú Xuyên cho biết: Nắng nóng kéo giá giống gia cầm trên thị trường giảm mạnh, trong khi tỷ lệ trứng gia cầm ấp nở thấp hơn 8-10% so với các tháng khác trong năm. Nếu hộ chăn nuôi không thường xuyên kiểm tra lò ấp, bảo quản tốt, trứng sẽ hư hỏng dẫn tới thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hộ nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì, bò sữa có thân nhiệt cao hơn bò thịt, những ngày nắng nóng lên 39-40 độ C nếu không có biện pháp chống nóng cho bò sẽ ảnh hưởng đến sản lượng sữa. Nhiều hộ chăn nuôi thiếu kinh nghiệm đã phun nước làm mát cho bò, dễ khiến bò bị cảm..., sản lượng sữa giảm khoảng 10-20% do đàn bò hấp thụ thức ăn kém.
Không chủ quan lơ là
Để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Minh Đức khuyến cáo: Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi. Nếu phát hiện vật nuôi nghi mắc các bệnh truyền nhiễm như: Cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, dịch tai xanh... phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời tránh dịch bệnh lây lan. Hà Nội đã cơ bản khống chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường, các địa phương không chủ quan lơ là, mất cảnh giác với các loại dịch bệnh. Người chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; bảo đảm nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác; định kỳ phun thuốc sát trùng diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là tác nhân truyền, gây bệnh trong mùa hè; đối với dụng cụ, chuồng trại mà có đệm lót cần thay thế lớp đệm lót mỏng dùng trong mùa nắng nóng. Ngoài ra, người chăn nuôi cần nghiêm túc chấp hành việc tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, những ngày nắng nóng, nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi cao, GSGC phải chống đỡ với các điều kiện bất lợi, thường bỏ ăn, uống nước nhiều. Do đó, người chăn nuôi cần tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin, giảm tinh bột, mỡ, đường. Đồng thời, thường xuyên có đủ nước cho GSGC uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Những ngày nắng nóng cần bổ sung vào nước uống vitamin C, các chất điện giải hoặc nước pha muối với nồng độ 1% (10-15g muối/1 lít nước). Các địa phương hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu vào...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.