Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông thị trường BĐS, cách nào?

Gia Bình| 09/09/2011 07:13

(HNM) - Trước thực tế thị trường bất động sản (BĐS) như hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị để


Ảnh minh họa

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành chức năng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng... phân tích, nghiên cứu thị trường BĐS. Yêu cầu này được đặt ra trong khi Nghị quyết 11/CP vẫn thắt chặt tín dụng phi sản xuất, trong đó có BĐS xuống mức 16% vào cuối năm nay. Theo Bộ Xây dựng, dư nợ cho vay BĐS trong hệ thống ngân hàng hiện nay chiếm 10% tổng dư nợ (2% trong số đó là nợ xấu). Sự trầm lắng của thị trường đang lấp ló hiệu ứng đôminô với các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất dẫn đến một số nhà máy phải đóng cửa, công nhân mất việc làm. Vì thế, các ngành chức năng cần phải "cư xử" đúng đắn với thị trường BĐS, nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược, tác dụng tiêu cực đến thị trường tài chính và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chức năng cũng đang nhìn nhận về thị trường BĐS thực tế hơn. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu mở "van" tín dụng với BĐS, như trường hợp Vietinbank cho Công ty CP Bê tông và Xây dựng Xuân Mai vay 300 tỷ đồng với lãi suất thương mại để xây nhà ở cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách và quản lý cũng không đồng tình việc xếp BĐS vào lĩnh vực phi sản xuất, việc thắt chặt hay nới lỏng quá mức, cào bằng tín dụng BĐS ở các ngân hàng làm cho các DN BĐS, nhà đầu tư không thể xoay xở nổi, khiến thị trường tài chính gặp nhiều hệ lụy cũng là vấn đề cần sớm khắc phục. Vậy, nên chăng cần khơi thông nguồn cung, hỗ trợ cầu, trong đó nêu ra một đề xuất mới là nới lỏng các hạn chế về huy động vốn góp của nhà đầu tư. Thực tế thị trường BĐS cũng như các thị trường hàng hóa khác, nếu ngưng trệ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Nhưng, việc gỡ khó nếu không đúng hướng sẽ dễ khiến thị trường gặp những diễn biến khó lường hơn.

Vấn đề của thị trường BĐS hiện nay không chỉ nằm ở tín dụng. Bởi, vấn đề này chỉ mang tính thời điểm. Trong khi còn nhiều vấn đề khác liên quan đến thị trường BĐS cũng cần sớm được xem xét và giải quyết kịp thời. Các chuyên gia cho rằng, chính sách cho thị trường BĐS thì nhiều, nhưng chất lượng chính sách lại chưa ổn. Chẳng hạn, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153 hướng dẫn thi hành quá sơ sài, dẫn đến một thị trường thiếu chuyên nghiệp. Rồi chuyện quy hoạch công khai, nhưng công khai như quy hoạch Hà Nội trong tình trạng đất đã cấp hết và phần lớn các dự án phân lô, bán nền từ trước đó nên quy định "80% là nhà chung cư" cũng không mấy tác dụng. Thông tin hằng năm chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là bao nhiêu, có bao nhiêu dự án, cần bao nhiêu tiền cho các dự án, nhu cầu của thị trường như thế nào... đều không rõ ràng, khiến các ngành chức năng, các địa phương rất cảm tính trong điều hành thị trường. Vì thế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần sớm sửa đổi những quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, thì những đề xuất theo nó mới có tác dụng. Chẳng hạn, đề xuất nới lỏng các quy định về huy động vốn góp của nhà đầu tư sẽ không thể thực hiện khi quy định hướng dẫn về việc góp vốn còn đang "đá" nhau. Nơi này thì yêu cầu chỉ thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng (Luật Kinh doanh BĐS), chỗ khác lại yêu cầu góp khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng (Nghị định 153), còn Luật Nhà ở lại yêu cầu huy động khi xây dựng xong phần móng. Và đến thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng lại cho phép huy động ngay từ khi chủ đầu tư giải phóng xong mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Sự chồng chéo này đã khiến thị trường BĐS trở nên "hỗn loạn", mỗi chủ đầu tư áp dụng một kiểu.

Từ thực tế trên, các ngành chức năng, các địa phương nên xem xét thực tế một cách thấu đáo để "khơi thông" có hiệu quả những bế tắc thị trường BĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông thị trường BĐS, cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.