(HNM) - Theo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 3-2012, tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế ước khoảng 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. Từ năm 2008 đến nay các khoản nợ xấu có xu hướng gia tăng. Phương án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý những khoản nợ xấu, đã được các chuyên gia tính đến.
Song làm thế nào để cơ cấu lại các khoản nợ xấu một cách phù hợp để vừa có thể giúp các ngân hàng, DN "hồi sinh", vừa tạo ra lợi nhuận là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo khoa học "Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn ở Việt Nam" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 19-9 tại Hà Nội.
Tái hợp cơ cấu hoạt động của DN có thể sẽ làm giảm tình trạng nợ xấu.Ảnh: Huy Hùng
Sáu tháng, nợ xấu tăng 47%
Là một trong những nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng mất "thăng bằng", nợ xấu được coi là "cục máu đông" làm tắc nghẽn tín dụng. Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của nước ta đang có xu hướng tăng. PGS-TS Ngô Trí Long đã dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2009, nợ xấu là 45 nghìn tỷ đồng, năm 2011 tăng lên khoảng 78 nghìn tỷ đồng, đến tháng 3-2012 đã tăng lên 202 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng rất nhanh từ mức 7,4% (năm 2008) lên 64% (năm 2011), riêng 6 tháng đầu năm 2012, nợ xấu đã tăng tới 47%.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, nợ xấu ở nước ta tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến nợ xấu liên tục tăng cao. Trước hết là do hệ thống quản trị rủi ro tín dụng tại mỗi ngân hàng được thành lập theo quan điểm riêng của từng DN mà không tuân theo quy chuẩn quốc tế. Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính của DN lại gặp không ít khó khăn do báo cáo tài chính của hầu hết DN không được kiểm toán. Vì vậy, không ít khoản vay vừa ra khỏi ngân hàng là đã trở thành nợ xấu. Thứ hai là nợ xấu tại một số ngân hàng được chuyển từ vốn vay thành vốn góp khiến nhiều khoản vay trở thành nợ rất xấu. Số liệu được công bố tại đề án tái cơ cấu DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 cho thấy, tỷ lệ vay nợ của các tập đoàn, tổng công ty khoảng 415.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu. Đây là những khoản nợ có mức độ chồng chéo, đan xen giữa các đơn vị này với các ngân hàng, tập trung chủ yếu vào khoản vay đầu tư bất động sản, chứng khoán, đầu tư ngoài ngành... Khi thị trường bất ổn, nhiều khoản nợ không có khả năng chi trả trở thành nợ xấu. Cuối cùng phải kể đến việc một số cán bộ ngân hàng và khách hàng đã cố tình che giấu năng lực tài chính, làm trái quy định của ngân hàng khi thực hiện hợp đồng cho vay khiến nợ xấu phát sinh.
Sự gia tăng nợ xấu dẫn đến một hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Khi hoạt động SXKD khó khăn, ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho DN để ngăn chặn nợ xấu gia tăng. Sự khó khăn của DN trong việc tiếp cận vốn vô hình trung lại khiến nợ xấu gia tăng nhiều hơn do DN không còn khả năng thanh toán những món nợ cũ và nhiều khoản nợ tiếp tục phát sinh. Lúc này vòng tròn luẩn quẩn lại xuất hiện, khiến "mạch máu" tín dụng bị tắc nghẽn.
Mua nợ để giúp doanh nghiệp "hồi sinh"
Nợ xấu là vấn nạn mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối mặt trong tiến trình phát triển kinh tế. Trong giai đoạn tái cấu trúc, nhiều quốc gia đã từng có tỷ lệ nợ xấu cao kỷ lục. Đơn cử năm 1999, tỷ lệ nợ xấu của Indonesia là 50%, Thái Lan 47,7% và Trung Quốc là 20%... Từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước, các chuyên gia đã nêu 3 bước cơ bản để xử lý nợ xấu: sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính; thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu tại ngân hàng, sau đó bán lại; tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ.
Mong muốn của các quốc gia là bằng mọi cách xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, song kết quả đạt được lại khác nhau. Tại Hàn Quốc, để giải quyết khoản nợ xấu tương đương 27% GDP, chính phủ nước này đã thành lập công ty quản lý tài sản được quản lý bởi các chuyên gia tài chính và sự giám sát của Ủy ban giám sát tài chính. Sau khi phân loại nợ và ưu tiên mua các khoản nợ có khả năng thu hồi, chính phủ đã nhóm các khoản nợ xấu lại để phát hành chứng khoán có bảo đảm để bán lại cho nhà đầu tư và DN. Thông qua biện pháp thu đòi nợ, hoán đổi nợ, tái cơ cấu hoạt động của DN, trong thời gian từ 1997-2002, Hàn Quốc đã thu hồi được 46,8% giá trị khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17,7% (năm 1998) xuống còn 3,9% (năm 2002).
Cũng tiến hành thành lập 4 công ty quản lý tài sản được chính phủ tài trợ (AMC) và thực hiện nhiều biện pháp mua bán nợ, song các AMC của Trung Quốc chỉ thu hồi được chưa đến 40% giá trị nợ xấu do sự thiếu minh bạch. Việc các AMC được miễn kiểm toán độc lập đã khiến tham nhũng nảy sinh và làm nhà đầu tư nản lòng trước việc tham gia mua lại nợ xấu. Hậu quả là dù nợ xấu của 4 ngân hàng thương mại nhà nước của Trung Quốc được cải thiện đáng kể, nhưng khoản nợ xấu chỉ được chuyển giao từ tổ chức này sang tổ chức khác quản lý và nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn tiềm ẩn.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, để việc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao, giúp ngân hàng và DN hồi sinh, cần có một phương pháp định giá các khoản nợ phù hợp, bảo đảm lợi ích cả bên mua, bên bán. Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm xử lý nợ xấu để cứu DN, chứ không phải để làm "sạch" ngân hàng. Các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để công ty mua bán nợ hoạt động hiệu quả, từ đó giúp khơi thông nguồn vốn và đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.