(HNM) - Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội về "điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội", diện mạo nông thôn ngoại thành đã đổi thay theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đã và đang có tác động lớn đến khu vực nông thôn, mang đến cho khu vực này những sắc màu tươi mới.
Ngoại thành khởi sắc
Trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành và từng bước hiện đại hóa hạ tầng cơ sở nông thôn. Hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh góp phần cải thiện đời sống nông dân. Hệ thống giao thông nông thôn hiện có 68% đường liên xã được cứng hóa, 80% mặt đê được cứng hóa bảo đảm an toàn sản xuất và chống lũ. Hệ thống đường liên thôn và đường làng cơ bản được bê tông hóa; 100% số xã được sử dụng điện lưới, có hệ thống đài truyền thanh, hệ thống thông tin liên lạc... Năm 2010 gần 90% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt |
Điểm dễ nhận thấy là khi cơ cấu kinh tế ngoại thành có bước phát triển đúng hướng và bền vững đã hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện ngoại thành; sản phẩm nông nghiệp bước đầu tiếp cận với xu thế hội nhập; giá trị sản xuất trên một héc ta canh tác đã tăng 122 triệu đồng năm 2008 lên 141 triệu đồng năm 2010. Khu vực nông thôn hiện có 1.270/2.268 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận làng nghề, hằng năm sản xuất ra giá trị hàng hóa 7.356,42 tỷ đồng. Kinh tế trang trại phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 là 10,2 triệu đồng/người/năm, đến nay đạt 12,5 triệu đồng/người/năm.
Theo TS Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, bức tranh nông thôn Hà Nội đang có những thay đổi rõ rệt trên tất cả các mặt, đời sống văn hóa, kinh tế, kết cấu hạ tầng, việc làm gắn với các chương trình an sinh xã hội được giải quyết tốt. Khu vực nông thôn hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tăng cả về chất và lượng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường như vùng hoa cây cảnh, vùng lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn. Quan trọng hơn là niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng tăng. Nông dân từ vùng núi cao Ba Vì, vùng sâu, vùng xa của Thạch Thất, Quốc Oai đến vùng trũng Phú Xuyên, Ứng Hòa, hay cả vùng ven đô như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh sang các vùng quê Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, phía bắc sông Hồng… đều cảm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố đầu tư ngày càng hiệu quả cho khu vực nông thôn.
Trong các huyện ngoại thành có sự chuyển mình mạnh mẽ thì Thạch Thất là một điển hình. Sau khi hợp nhất, Thạch Thất tiếp nhận thêm 3 xã nghèo thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 20%. Đến nay Thạch Thất có tốc độ phát triển hàng đầu trong các huyện của thành phố. Trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã trên đã giảm 10%. Điện đã được kéo đến các gia đình ở xa nhất, đường liên xã, trường học đã được xây mới làm cho diện mạo nông thôn các xã mới về thay đổi nhanh chóng. Các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, trạm cung cấp nước sạch, trung tâm học tập cộng đồng cũng đã và đang được hoàn thiện. Bộ mặt nông thôn toàn thành phố tạo nên một bức tranh toàn cảnh sinh động ấm no.
Nông dân phấn khởi
Mặc dù đã tạo ra những bước chuyển ngoạn mục, song nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quan thì điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, khu vực ngoại thành còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân. Sản xuất khu vực nông thôn vẫn là nền sản xuất nhỏ manh mún với phương thức hạn chế, lạc hậu.
Xã Đại Đồng được huyện Thạch Thất xây dựng điểm mô hình nông thôn mới. Trong ảnh: Hạ tầng xã Đại Đồng được cải tạo sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt |
Để tiếp tục thay đổi diện mạo nông thôn mới Hà Nội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực ngoại thành, trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố địa phương duy nhất trên cả nước đã xây dựng mục tiêu riêng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn - phấn đấu đến năm 2015, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia. Đây là bước ngoặt khẳng định sự quan tâm lớn, đặc biệt của thành phố với khu vực ngoại thành.
Hà Nội luôn xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để đầu tư thỏa đáng nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chọn lọc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao… Để bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc, ông Trần Xuân Việt cho rằng: Đi đôi với các hỗ trợ, quan tâm của thành phố, Hà Nội lấy dân làm gốc, khơi dậy ở nông dân ý chí vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Người nông dân phải được đào tạo để nâng cao nhận thức, thay đổi nếp sống, tư duy, không trông chờ, ỷ lại để vươn lên làm ăn hiệu quả. Khi đời sống nông dân được nâng cao, tiềm lực kinh tế được tăng cường sẽ thêm điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới ngày một văn minh, giàu đẹp.
Thực hiện chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Chính phủ, tháng 4-2010, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND về "Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai
đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030" với tổng vốn đầu tư là 32.000 tỷ đồng. Tuy thời gian thực hiện chưa dài, nhưng chương trình đã thu được kết quả khá khả quan. Ban chỉ đạo các cấp đã bám sát kế hoạch và đề án được duyệt, tổ chức thực hiện tập trung, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết những mặt còn hạn chế ở từng địa phương. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM Hà Nội báo hiệu những thành công rất phấn khởi, tiến độ được đẩy nhanh, đây thực sự là điểm tựa quan trọng để nông nghiệp, nông thôn, nông dân Thủ đô tạo bước chuyển mình ngoạn mục trong thời gian tới xây dựng nông thôn giàu mạnh, phồn vinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.