Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khôi phục diện mạo “nền nghệ thuật bị bỏ quên”

Yên Nga| 14/02/2013 06:49

(HNM) - Một cuốn sách bằng tiếng Anh dày 300 trang, nói về nghệ thuật Việt Nam



Như nhiều lần Hànộimới đã đề cập về những nỗ lực không ngừng của các nhà nghiên cứu mỹ thuật để chứng minh nền nghệ thuật Việt Nam có tính độc lập, có nét ưu việt và phong cách đặc trưng, Kerry Nguyễn - Long là một trong những người như thế. Biên tập viên Tạp chí Nghệ thuật Châu Á tại Hồng Kông này đã theo đuổi, tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam - quê hương chồng bà, từ thập kỷ thứ 8 của thế kỷ trước. Ban đầu, bà tìm thấy những cổ vật gốm sứ Việt Nam được lái buôn đưa ra nước ngoài. Với con mắt nhà nghề, Kerry nhận ra giá trị và sự khác biệt từ những món đồ cổ này. Bà say mê chúng, đã trở về Việt Nam nhiều lần, tìm hiểu, nghiên cứu, mày mò ở các bảo tàng lịch sử, các di tích cổ, sách cổ với sự cố vấn, trợ giúp dịch thuật từ chồng - ông Nguyễn Kim Long. Bà đã có những trang viết về chủ đề mà mình quan tâm, điển hình là công trình đăng trên Tạp chí Nghệ thuật Châu Á xuất bản tại Hồng Kông năm 1999, được độc giả và các nhà nghiên cứu thế giới rất quan tâm.

Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi với Kerry Nguyễn - Long, bà thực sự đau lòng khi tới nhiều quốc gia, tới nhiều bảo tàng nghệ thuật mà phải chứng kiến phần trưng bày về nghệ thuật Việt Nam, nhất là về gốm sứ, bị "gom" vào phần trưng bày của nước khác. Bà bất bình khi đọc những nhận xét sơ sài, vắn tắt kèm theo hàm ý gạt bỏ đối với mỹ thuật Việt Nam trên nhiều ấn phẩm, sách mỹ thuật Đông Nam Á tại nhiều nơi. Viết trên tạp chí quá ngắn ngủi và chưa có tầm ảnh hưởng, vì thế, Kerry Nguyễn - Long đã bỏ ra 5 năm để thực hiện "Arts of Việt Nam", mong muốn được đóng góp trong một cuộc thảo luận công bằng hơn về nghệ thuật Việt Nam.

Kerry thực hiện cuốn sách bằng tình yêu nghệ thuật và phong cách của người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, cuốn sách đủ để khẳng định giá trị, nét tinh hoa văn hóa của người Kinh ở Việt Nam suốt gần một nghìn năm qua. 300 trang sách, ảnh minh họa được trình bày theo niên đại, có tóm tắt lịch sử mở đầu mỗi chương nhằm "định vị" cho người đọc. Bà chọn lựa đặc điểm nổi bật của mỹ thuật thời kỳ đó, đưa ra chứng cứ, phân tích và nhận định. Cuốn sách giới thiệu kiến trúc, tranh vẽ mô tả tính năng sử dụng của các cổ vật trong từng thời kỳ. Kerry cũng chú thích rõ về lý do chúng ra đời, chỉ ra chúng mang phong cách mới mẻ, độc đáo như thế nào.

Năm năm, Kerry đi đến nhiều vùng đất của Việt Nam, cẩn trọng ghi chép, nhất là phần dịch thuật các từ phiên âm Hán Việt. Bà dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia, những dữ liệu mới được phục hồi, các bản ghi trong phả hệ gia đình cùng nhiều tài liệu lịch sử. Là cuốn sách đầu tiên viết về sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn phong kiến nên Kerry rất cẩn thận, cân nhắc đưa những gì vào sách và những gì thì không. Cuốn sách mới được xuất bản bằng tiếng Anh, theo chủ đích của tác giả và NXB, muốn hướng tới độc giả là người nghiên cứu nghệ thuật nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và giới trí thức, nghệ thuật người Việt Nam. Song theo TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Chủ biên của NXB Thế giới, NXB sẽ nỗ lực cùng tác giả để sớm cho ra mắt cuốn sách bằng tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục diện mạo “nền nghệ thuật bị bỏ quên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.