(HNMCT) - Với bề dày lịch sử ngàn năm của mình, Hà Nội hội tụ một nguồn tiềm năng sáng tạo vô cùng to lớn. Làm thế nào để khơi nguồn, phát huy các giá trị tiềm năng đó để Hà Nội phát triển thành Thành phố sáng tạo, một trung tâm sáng tạo của khu vực? Hànộimới Cuối tuần Xuân Tân Sửu đã lược ghi ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:
Xây dựng cơ chế thích hợp để phát huy tiềm năng sáng tạo
Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đã thể hiện khả năng sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử. Sáng tạo trong dựng nước, sáng tạo trong giữ nước và sáng tạo trong kiến thiết đất nước ngày một phồn vinh. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, tập trung nhiều trí thức, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Việc chúng ta cần thực hiện là tìm ra cách phát huy tối đa sức mạnh tri thức, khả năng sáng tạo của đội ngũ đông đảo ấy.
Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế bởi mảng này có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực khác. Hơn nữa, Thủ đô ngàn năm văn hiến hội đủ các điều kiện cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng, nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế và có nhóm sáng tạo - thiết kế hoạt động thường xuyên...
Với nền tảng đó, Hà Nội cần tạo ra cơ chế, chính sách mới phù hợp, dành sự quan tâm đúng mức, cởi mở hơn nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng, tạo ra sản phẩm tinh hoa. Nếu khai thác tối đa tiềm năng, chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn lực mạnh mẽ để phát triển Hà Nội - Thủ đô sáng tạo đích thực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương: Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:
Thêm giải pháp ưu tiên nhằm kích thích sáng tạo
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) luôn ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình khi là đơn vị phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội trong quá trình đề xuất phương án, xây dựng hồ sơ đăng ký Hà Nội là thành phố thiết kế thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCNN).
Trong hơn 1 năm qua, kể từ khi Hà Nội chính thức gia nhập UCNN ở lĩnh vực thiết kế, VICAS vẫn tiếp tục phối hợp cùng thành phố trong nhiều hoạt động nghiên cứu, trao đổi, kết nối nhằm khơi dậy năng lực sáng tạo trong đời sống văn hóa, xã hội của Thủ đô. Việc tổ chức thành công hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2020 cũng như các triển lãm, các hoạt động sáng tạo khác ở Hà Nội trong thời gian gần đây đã cho thấy vai trò của VICAS trong việc hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội khi trở thành Thành phố sáng tạo trong mạng lưới UCNN.
Trong thời gian tới, Hà Nội cần hoàn thiện báo cáo định kỳ lần thứ nhất về việc đánh giá hiệu quả triển khai chương trình hành động gồm 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến cấp quốc tế như đã cam kết với UCNN. Sự cam kết này cũng chính là cơ hội để Hà Nội thể hiện quyết tâm và những bước đi có tính đột phá về việc sử dụng thiết kế như một giải pháp căn cốt để thành phố phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững.
Hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều hơn các giải pháp ưu tiên để tạo ra các sân chơi sáng tạo, các diễn đàn sáng tạo, các cuộc thi sáng tạo và kết nối các không gian sáng tạo. Tôi tin rằng sự cởi mở, tính thực tế, quyết tâm đổi mới của chính quyền sẽ góp phần tạo môi trường có khả năng giải phóng, kích thích sự sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ, những người luôn mang trong mình khát vọng sử dụng thiết kế như một giải pháp nhằm kiến tạo Hà Nội xanh - sạch - đẹp và hội nhập mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Tạo môi trường để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo
Thiết kế và sáng tạo là hai mặt gắn kết chặt chẽ với nhau. Có sáng tạo thì mới tạo nên sản phẩm mới - một đòi hỏi tất yếu trong lao động nghệ thuật. Và sản phẩm có thể tồn tại lâu dài với đời sống hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào kết quả của quá trình thiết kế sáng tạo.
Hiện nay, việc phát động cuộc thi hay phát động phong trào đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết, vì qua đó cộng đồng sẽ hiểu thêm về giá trị sản phẩm do các nghệ sĩ tạo ra cả về mặt ứng dụng và giá trị nghệ thuật.
Hà Nội có bề dày văn hóa ấn tượng so với các đô thị khác của Việt Nam. Thủ đô còn tự hào có một hệ thống làng nghề thủ công, các nghệ nhân tài giỏi. Hà Nội cũng có nhiều điều kiện thuận lợi khác cho sáng tạo. Tuy nhiên, các nhà thiết kế và nghệ nhân chưa gặp được nhau nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm giá trị tương xứng với tiềm năng lớn này. Do đó, tạo môi trường để hai bên tương tác, hiện thực hóa những ý tưởng thiết kế, tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống là việc hết sức cần thiết. Cá nhân tôi cũng như quận Hoàn Kiếm luôn trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ sáng tạo.
Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm (giải Đặc biệt về ý niệm thiết kế, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020):
Cơ hội tốt để Thủ đô phát huy các giá trị văn hóa của mình
Việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thực sự là một cơ hội tốt để Thủ đô phát huy giá trị nguồn tài nguyên văn hóa sau khi có sự công nhận của quốc tế. Chúng ta hy vọng các ngành nghề cổ truyền sẽ được tôn trọng và nâng đỡ phát triển cùng các ngành nghệ thuật đương đại.
Các nghệ sĩ cũng như các không gian sáng tạo đã và đang có nhiều nỗ lực. Để thúc đẩy thiết kế sáng tạo như một yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô cũng như cả nước, tôi nghĩ Nhà nước luôn giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo. Chẳng hạn như sự thiếu vắng một bảo tàng đương đại về nghệ thuật, thiết kế sẽ làm mất đi một phần cơ hội mang tới cho lớp trẻ kiến thức, tình yêu nghệ thuật..., và chúng ta cần khắc phục hạn chế đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.