(HNM) - Năm 2008, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi (NKT&TMC) ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Dạy nghề điện tử cho trẻ khuyết tật. Ảnh: Phong Vân |
Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: "Hội xác định hỗ trợ sinh kế cho NKT&TMC là một trong những hướng trợ giúp họ thoát nghèo hiệu quả và bền vững nên đã không ngừng vận động, tài trợ, xây dựng và triển khai chương trình tại nhiều địa phương. Để triển khai chương trình, cán bộ Hội đi đến từng gia đình tìm hiểu nhu cầu cần trợ giúp và đưa ra hướng giải quyết. Ở mỗi địa phương lại có cách thức triển khai khác nhau tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình và thực tế như xây nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, đường tiếp cận, tặng bò, lợn, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình... "Kết quả, đã có hàng chục nghìn NKT&TMC được hưởng lợi từ chương trình, nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định và thoát nghèo. "Chương trình "hướng dẫn cách câu được cá" giúp đối tượng tự tạo lập cuộc sống một cách ổn định, bền vững. Không những vậy, những gia đình có người khuyết tật được trợ giúp đã có sự thay đổi nhận thức về vấn đề người khuyết tật. Họ rất phấn khởi đón nhận vai trò trợ giúp con cái, người thân bị khuyết tật." - Ông Liêu nói.
Để tìm hiểu kỹ hơn về chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT&TMC, chúng tôi đã về thăm một số xã. Điểm đến đầu tiên là xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Toàn xã có 52 người khuyết tật, 14 trẻ mồ côi, đa phần có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Năm 2011, Hội đã lựa chọn 19 người khuyết tật và 2 trẻ mồ côi để hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các hình thức: Cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ vốn mua bò giống, lợn giống; hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; sửa chữa nhà cửa, làm đường tiếp cận; trao xe lăn, học bổng... với nguồn kinh phí 100 triệu đồng. Được hưởng lợi từ chương trình, không ít hộ gia đình khuyết tật đã vươn lên thoát nghèo. Bà Hoàng Thị Kiệm, xã Tân Thịnh, cho biết: "Được Hội hỗ trợ tiền mua lứa lợn thịt, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lợn, vợ chồng tôi xuất chuồng được lứa lợn thịt đầu tiên, trừ chi phí lãi được vài triệu đồng. Vậy là chúng tôi đã có vốn để tiếp tục chăn nuôi".
Việt Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (chiếm 14,1%, tương đương 304 hộ). Xã có 150 người khuyết tật và 56 trẻ mồ côi, đa số đặc biệt khó khăn. Năm 2011, Việt Tiến được Hội lựa chọn thực hiện chương trình. Để bảo đảm hiệu quả, Hội phối hợp với UBND xã mời các đối tượng được hỗ trợ tham dự cuộc họp quán triệt mục đích, yêu cầu của chương trình, hướng dẫn họ sử dụng và phát huy giá trị của nguồn vốn hỗ trợ. Kết quả hết sức khả quan: Người khuyết tật có việc làm, thu nhập ổn định; nhận thức và trách nhiệm đối với người khuyết tật của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Ông Phạm Văn Quỳnh, bị khuyết tật vận động, là một trong 21 người khuyết tật ở xã Việt Tiến được chọn tham gia chương trình. Từ khi bố mẹ qua đời, ông sống nhờ vào các anh em, nay ở nhà này, mai nhà khác. Khi chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT&TMC triển khai, ông Quỳnh là người duy nhất được hỗ trợ kinh phí làm nhà. Từ nguồn hỗ trợ 29 triệu đồng của Hội, sự đóng góp công sức và nguồn lực của họ hàng, làng xóm, căn nhà mái bằng rộng 26m2, lát đá hoa đã hoàn thành với tổng kinh phí là 85 triệu đồng. "Anh tôi đã có nhà, không phải vất vả sớm hôm lặn lội nhà này sang nhà khác ăn uống, sinh hoạt, chúng tôi cũng yên tâm tập trung cho lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mong sớm thoát nghèo." - Ông Phạm Văn Lương, em trai ông Quỳnh, nói.
Từ năm 2008 đến nay, Hội đã dành 7,5 tỷ đồng để triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT&TMC. NKT&TMC được vay vốn, được dạy nghề, tạo việc làm, được hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình... nên đã có thêm nhiều cơ hội để thoát nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.