Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam''

Nguyễn Lê| 22/11/2020 14:12

(HNMO) - Khởi nghĩa Nam kỳ đã đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ như bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2020), ngày 22-11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”. 

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự hội thảo có gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ khoa học trung ương và các địa phương…

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành Nam kỳ. Khởi nghĩa Nam kỳ làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam kỳ; là tiếng súng báo hiệu một cuộc khởi nghĩa toàn quốc. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.

“Khởi nghĩa Nam kỳ đã đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ như bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khẳng định niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị qua hội thảo này, các đại biểu thảo luận làm sâu sắc một số nội dung: Khởi nghĩa Nam kỳ - bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cuộc tập dượt lịch sử tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Khởi nghĩa Nam kỳ - trận thử lửa hào hùng của phong trào cách mạng miền Nam; hào khí Khởi nghĩa Nam kỳ hội tụ và tiếp tục lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như: Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp giữa đấu tranh ở đô thị và đấu tranh ở nông thôn; đồng loạt tiến công địch trong không gian rộng lớn nhưng có trọng điểm; phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt là bài học về thời cơ cách mạng.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện chứa đựng những bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn. Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những chính sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo.

“Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn. 80 năm qua, đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử ghi chép đậm nét về Khởi nghĩa Nam kỳ nhưng còn nhiều vấn đề để chúng ta có thể bổ sung, tôn vinh cho tương xứng với tầm vóc lịch sử của cuộc khởi nghĩa”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận khoa học của các đại biểu. Qua đó, hội thảo tiếp tục khẳng định những giá trị và truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; tri ân sự hy sinh và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh vì nền hòa bình và thống nhất đất nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Khởi nghĩa Nam kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.