Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi lên tinh thần tự học

Hà An| 22/10/2017 06:47

(HNM) - “Truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”

Có thể thấy, thư viện nói chung và thư viện trường học nói riêng trong quá trình hoạt động luôn gắn với nội dung phát triển văn hóa đọc, nhưng xét đến cùng, hoạt động này là nhằm khơi lên và nuôi dưỡng tinh thần tự học, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của cá nhân, cũng như đáp ứng yêu cầu to lớn của công cuộc phát triển bền vững đất nước. Thực tế, hệ thống thư viện trường học của cả nước ta phải được nhìn nhận trên cơ sở hiệu quả đạt được so với vị trí, vai trò, mục tiêu được đề ra, chứ không phải chỉ ở số lượng đã thành lập. Trong đó, cách xây dựng, tổ chức, vận hành mô hình này là yếu tố đáng bàn nhất hiện nay.

Không thể phủ nhận trên cả nước vẫn còn nhiều thư viện trường học mở cửa cho có; nguồn sách, tư liệu và phương thức hoạt động đơn điệu, chưa trở thành địa chỉ thân thiện, tin cậy cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học…

Lãng phí môi trường thư viện không chỉ dẫn đến những hạn chế trong phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, mà còn tạo ra những hệ lụy khác, như: sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam khi bước vào môi trường học tập, làm việc quốc tế sẽ phải chật vật với yêu cầu đọc để phục vụ nghiên cứu, hay làm việc liên tục trên thư viện nhiều giờ…

Tất nhiên, bên cạnh hạn chế của những thư viện trường học, thì cũng có nhiều cơ sở giáo dục, trường học đã nhận thức rõ và khai thác tốt nguồn lực thư viện của mình. Ví như, có trường THCS kết hợp với các chuyên gia về sách và văn hóa đọc để xây dựng mô hình “hệ sinh thái đọc sách”, mà bản chất là phát triển thư viện nhà trường với rất nhiều hoạt động rèn kỹ năng đọc, khuyến khích tự học.

Bên cạnh đó, môi trường đại học cũng có những điển hình như “thư viện truyền cảm hứng bậc nhất Việt Nam” của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh). Các dẫn chứng trên cho thấy, việc “chú trọng phát triển thư viện trường học” như nội dung Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc là một yêu cầu tất yếu.

Vấn đề là, nội dung này của Đề án phải được các bộ, ngành liên quan cùng hệ thống trường học cụ thể hóa thành chương trình hành động trên diện rộng. Trong đó, nhận thức về vai trò của thư viện trường học đối với yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước rất cần tiếp tục được củng cố.

Từ đó, chúng ta mới có thể huy động được cả ý chí lẫn nguồn lực nhằm tạo dựng không gian đọc thân thiện cho học sinh, sinh viên; đào tạo thủ thư thực sự là cầu nối giữa người học với thư viện nhà trường, chứ không phải làm việc kiêm nhiệm như thường thấy…

Đặc biệt, trước mắt các trường học nên tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện; chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư nguồn lực cho thư viện trường học; phát huy sự chung tay từ chính phụ huynh.

Đầu tư thực sự để phát triển thư viện trường học chính là việc làm khơi lên tinh thần tự học - điều không gì quý hơn đối với mục tiêu giáo dục và xây dựng con người hiện nay và mai sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi lên tinh thần tự học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.