Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi gợi tiềm năng

Thi Thi| 21/11/2010 07:31

(HNM) - Sau một chặng 5 năm (2006-2010) cùng nghĩ, viết, trao đổi, xuất bản sách, Dự án hợp tác văn học thiếu nhi (VHTN) Việt Nam-Đan Mạch do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch làm đầu mối thực hiện là một bước tiến mới cho thấy hai phía đã


Nhìn từ câu chuyện hợp tác mới thấy tiềm năng người viết của ta không thiếu, cái cần là một sự quan tâm chung để tạo nên một nền văn học cho thiếu nhi có diện mạo rõ ràng…

Có đội ngũ nhà văn thiếu nhi chuyên nghiệp?


Cần phải nhìn hai chữ "chuyên nghiệp" trong điều kiện của văn học nước ta, nghĩa là viết, trình làng tác phẩm thường xuyên, có mặt trong ít nhiều giải thưởng VHTN. Còn nếu đặt thêm điều kiện "sống bằng nghề" thì e sẽ khó. Nữ nhà văn Nguyên Hương từ thành phố Buôn Mê Thuột xa xôi lần đầu tham dự hội thảo (từ ngày 16 đến 18-11-2010) về dự án VHTN Việt Nam - Đan Mạch (dự án) nói: "Nếu bạn nói bạn là nhà văn, người ta lập tức sẽ hỏi, thế làm gì để sống?". Rồi chị vui vẻ và tự hào rằng công việc của mình là "đến thư viện, lên mạng đọc truyện thiếu nhi và ở nhà viết truyện". Nguyên Hương là tác giả của câu chuyện "Mẹ con đậu đũa" quen thuộc, chị cũng là người giành giải nhất của cuộc thi sáng tác VHTN - trong khuôn khổ dự án (2009-2010) với chủ đề "Đối thoại với thiên nhiên" - bằng tác phẩm "Chuyện kể bốn mùa". Ở hội thảo, khi những câu chuyện "bài tập" của chị cất lên, đọng lại phía sau dư vị về nỗi niềm nghề viết, đồng nghiệp và "thầy" giáo cùng cười vang: "Thú vị!".

Có rất nhiều cây bút khác, trẻ hơn Nguyên Hương, nam nữ đủ cả, mỗi người một việc để "nuôi nghiệp văn", nhưng nghe những câu chuyện viết ngay tại lớp của họ, ta muốn đọc tiếp. Nó hấp dẫn, trong sáng hơn vô vàn những cuốn sách cóp nhặt, nội dung sai lệch nhưng đóng mác "truyện thiếu nhi" bày bán không ít ngoài phố sách.

Những năm gần đây, không phải không có những cây bút viết cho thiếu nhi gây ấn tượng mạnh. Thậm chí, từ uy tín văn đàn, Nguyễn Nhật Ánh còn tiến ra thương trường với hẳn một quán ăn mang tên "Quán Đo Đo" gợi sự liên tưởng với một tác phẩm đã thành quen thuộc. Song, cảm giác về một "đội ngũ" thì không rõ rệt. Chặng đường hợp tác VHTN Việt Nam-Đan Mạch trong 5 năm qua là một "phép thử hay" cho đội ngũ người viết, họa sĩ trong lĩnh vực này. Mỗi năm có từ 200 cho tới 800 tác phẩm tham dự chương trình, nghĩa là phải có cả trăm người viết còn "mặn mà" với VHTN. Những cái tên Nguyễn Thị Bích Nga, Trần Đức Tiến, Dương Ngọc Tú Quỳnh, Bích Khoa, Quế Hương… dần trở nên quen thuộc hơn, mang lại những phác thảo về một "rừng cây" nhiều vẻ, nhiều dáng, và hơn cả là niềm hy vọng thức dậy một đội ngũ người viết VHNT Việt Nam.

Đặc biệt, những "cọ sát" đối với một nền văn học khác, nhất là một nền văn học của xứ sở Andersen huyền thoại đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cho các tác giả. Tri thức, phương pháp mới được cập nhật, rất nhiều thứ "lần đầu tiên", như phương pháp họa sĩ và nhà văn kết hợp từ khâu ý tưởng, tiếp cận tài liệu về phương pháp giả tưởng…

Nỗi niềm sách "tài trợ"


Trao đổi với nhà văn Lê Phương Liên (nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Nguyên Hương khẳng định ở người đọc vẫn tồn tại một tâm lý rất đáng quan tâm: cứ thấy sách mang dòng chữ "tài trợ" hoặc "dự án" là họ thấy e ngại về chất lượng. Để thắng được lực đẩy ngược chiều này, tác phẩm trước hết phải hay, nhưng sau nữa, và quan trọng không kém, là nó phải được quảng bá rộng rãi, có một đời sống thực sự ngoài thị trường, đến được với đông đảo bạn đọc, nhận được phản hồi nhiều chiều. Nữ tác giả này cũng chia sẻ rằng, dù dự án đã có 5 năm nay nhưng đến giờ chị mới được biết, bởi sách trong khuôn khổ dự án không có ở thư viện nơi chị sống.

Quả thực, nhiều ấn phẩm, hoặc tác phẩm trong số 20 ấn phẩm mới sáng tác được xuất bản trong khuôn khổ dự án trong những năm qua là những tác phẩm thực sự có giá trị, đã được Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Đan Mạch "kiểm định". Trong đó, có thể kể đến tập truyện ngắn "Một chuyến đi" (với sự kết hợp thú vị giữa một họa sĩ Đan Mạch với nhà văn Việt Nam trong cùng một tác phẩm) đã đoạt giải sách hay của Giải thưởng Sách Việt Nam 2009. Rồi những cuốn là thành quả của các hội thảo sáng tác như bộ 10 cuốn gồm "Có ba chàng lớp một", "Khi nào những con số trở về", "Quà sinh nhật bố"… là các tập truyện ngắn tập hợp tác phẩm văn xuôi đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác như "Đảo trốn tìm", "Bước qua hai thế giới"…

Như tính toán của NXB Kim Đồng, số lượng xuất bản ấn phẩm cho thiếu nhi hiện không nhiều, văn xuôi thường không quá 2.000 bản/tên sách; tranh truyện nhiều hơn, nhưng cũng chỉ tới 5.000 bản/tên sách. Sách trong khuôn khổ dự án chủ yếu được phát hành tới 15 CLB đọc sách thiếu nhi, số ra ngoài thị trường không đáng kể do tình trạng "bão hòa sách" nói chung hiện nay. Có thể làm gì để sách tốt đến được với nhiều người hơn?

Mở rộng đối tượng sáng tác đến 10-14 tuổi

Đó là một trong những điểm mới mẻ của dự án trong giai đoạn hợp tác mới. Theo đó, các đối tượng bạn đọc được phân tích, thảo luận, không chỉ là những vấn đề tương thích với nhóm 6-10 tuổi như trước, mà sẽ mở rộng tới những câu chuyện phức tạp hơn của lứa 10-14 tuổi. Những cây viết mới gần đây sẽ có thêm một sân chơi để trực tiếp chia sẻ những câu chuyện của lứa tuổi mình.

Bên cạnh đó là ý tưởng đọc sách trên truyền hình, có thể được thực hiện với sự phối hợp của Đài THVN. Người dẫn chương trình sẽ đọc to một cuốn truyện tranh trên nền một bộ phim hoạt hình minh họa đơn giản (do chính tác giả và họa sĩ Việt Nam sản xuất). Nếu những tác phẩm này được đón nhận, có thể NXB Kim Đồng còn sản xuất đĩa DVD để phát hành rộng rãi. Như thế, nghĩa là thêm một hình thức tiếp cận mới, để đưa tác phẩm "tài trợ", "dự án" đến với bạn đọc sinh động, thiết thực hơn. Cách làm này cũng hy vọng góp phần xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho trẻ. Tất nhiên, câu chuyện không hoàn toàn dễ dàng như ý tưởng. Nhưng trong khi Ban Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa giải tán, nhập cả vào với Ban Chuyên môn, văn học thiếu nhi trong nước từng ngày đối mặt với những "siêu phẩm" dịch từ nước ngoài… thì đây rõ ràng là một thông tin khuyến khích cho người viết. Một sân chơi hữu ích!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi gợi tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.