(HNM) - Ngày 28-10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLS QG) đã khai mạc trưng bày chuyên đề
"Kho" linh vật khổng lồ
Bước vào không gian trưng bày, nhiều người ngỡ ngàng trước sự phong phú, đa dạng về các biểu tượng trong văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Đầu tiên là trống đồng Thọ Vực (thời văn hóa Đông Sơn) trang trí hình chim lạc - hình ảnh biểu tượng trong những buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc với tín ngưỡng thờ vật Tổ (Tô tem giáo) của người Việt cổ. Tiếp đến là những hiện vật mang hình tượng rồng như: Giáo, tấm che ngực trang trí giao long (văn hóa Đông Sơn), gương đúc nổi hình rồng (thế kỷ I-III), đĩa hình rồng (thời Lê sơ), tượng rồng, ấn "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ" (thời Nguyễn)... Rồi là hiện vật đĩa, hũ, tượng kỳ lân (thời Lê sơ); hũ, cặp khay vẽ Long Mã cõng Hà đồ (thời Nguyễn)… Điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn của trưng bày chính là các hiện vật mang hình sư tử và nghê: Đầu sư tử, cổ bệ tượng Phật chạm hình sư tử chầu ngọc (thời Lý), lư hương chân đắp nổi mặt sư tử, nghê chầu (thời Mạc), sư tử đội đèn, cặp nghê chầu, đỉnh có nắp hình nghê (thời Lê trung hưng), tượng sư tử, đỉnh có nắp hình sư tử (thời Nguyễn).
Kỳ lân, một trong tứ linh được trưng bày trong chuyên đề “Linh vật Việt Nam”. |
Theo các nhà nghiên cứu, người xưa sáng tạo và sử dụng linh vật như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tôn giáo, tâm linh. Vì thế, 27 loại hình linh vật qua gần 100 hiện vật tiêu biểu từ kho hiện vật của BTLS QG đến với công chúng dịp này phần nào cho thấy người Việt có đời sống văn hóa, tâm linh đa dạng và sâu sắc.
Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa
Đặt trong mối tương quan về văn hóa, giới khoa học chỉ rõ những linh vật được giới thiệu dịp này vừa có sự tương đồng, vừa có sự và khác biệt về văn hóa giữa các thời kỳ lịch sử và giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng.
Chẳng hạn như hình tượng kỳ lân - linh vật huyền thoại vốn là biểu tượng cho lòng nhân từ, xuất hiện trong các nền văn hóa Á Đông. Tương truyền, mỗi khi kỳ lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân hoặc minh quân ra đời, nhưng ở Việt Nam, kỳ lân là biểu trưng cho hoàng tử, hoàng thân quốc thích dưới thời Lê. Đến thời Nguyễn, kỳ lân là biểu trưng cho các quan võ hàng nhất phẩm. Tương tự, hình tượng hạc vốn là linh vật của Đạo giáo, là vật cưỡi của chư tiên, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, ung dung tự tại, trường sinh bất tử. Nhưng ở Việt Nam, hạc thường được mô tả đứng chầu trên lưng rùa hoặc trong đề tài "Tiên cưỡi hạc" trên điêu khắc gỗ ở đình, đền, chùa…
Ngay linh vật được sử dụng xuyên suốt trong các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam là hình tượng rồng cũng có sự biến đổi liên tục cho phù hợp với quan niệm văn hóa của từng triều đại. "Có thể nói, hình tượng các linh vật được sử dụng ở Việt Nam có nhiều sự biến đổi. Mỗi giai đoạn lịch sử, các linh vật lại mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau, thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa từ bên ngoài, song rõ ràng việc tiếp thu này không phải là sự sao chép nguyên bản, mà nó có sự chọn lọc, cải biến cho phù hợp với thẩm mỹ dân tộc, từ đó hình thành những biểu trưng mang đậm bản sắc Việt Nam. Đó là chưa kể người Việt còn sáng tạo ra những linh vật không quốc gia nào có như sấu đá (sấu thần) thời Lý - Trần chẳng hạn", ông Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nhấn mạnh.
Thông qua những linh vật mang đậm bản sắc văn hóa Việt, trưng bày chuyên đề "Linh vật Việt Nam" giúp công chúng có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về biểu tượng, ý nghĩa văn hóa của linh vật, từ đó có hướng sử dụng linh vật để trang trí cho các công trình văn hóa, kiến trúc đương đại sao cho phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.