Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi động lại tiến trình hòa bình đầy trắc trở

Thùy Dương| 11/11/2015 06:33

(HNM) - Dù quan hệ Mỹ - Israel có lúc

Thủ tướng Israel B.Netanyahu (trái) và Tổng thống B.Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10-11.



Chính sách Trung Đông của Mỹ và thỏa thuận hạt nhân mới giữa các cường quốc với Iran gần đây được xem là tác nhân làm đảo lộn ít nhiều mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel. Quan hệ giữa lãnh đạo hai nước bị đẩy xa thêm khi ông chủ Nhà Trắng quyết theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran và xem Tel Aviv chỉ như người đứng bên lề trong "cuộc chơi" hạt nhân tại Trung Đông.

Tổng thống B.Obama và Thủ tướng B.Netanyahu đối mặt với không ít bất đồng từng ảnh hưởng đến quan hệ "sinh tồn" giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc hội đàm kín dài hai giờ giữa hai nhà lãnh đạo đã tập trung vào cách thức hợp tác trong một loạt vấn đề cùng quan tâm. Tổng thống B.Obama thừa nhận những bất đồng; song, khẳng định an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ lo ngại trước những bất ổn đang gia tăng trong khu vực và mong muốn Israel nối lại đàm phán hòa bình sau những biến cố gần đây giữa Israel và Palestine. Trước thái độ tích cực từ đồng minh Mỹ, Thủ tướng B.Netanyahu khẳng định chưa từ bỏ các nỗ lực hòa bình với người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước; đồng thời nhấn mạnh về một Nhà nước Palestine độc lập phi quân sự và thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Thông điệp Israel tái cam kết ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel là một bước đi "có thể làm hài lòng" Washington. Vì, đây là một trong những ưu tiên đối ngoại chưa từng bị bỏ ngỏ của Tổng thống B.Obama.

Bước đối ngoại "hàn gắn" của nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn từ Tel Aviv cũng đã tạo thuận lợi cho nguồn viện trợ quân sự Mỹ đổ vào Israel trị giá khoảng 5 tỷ USD/năm trong 10 năm tới. Cùng với đó, thỏa thuận mua bán vũ khí quy mô lớn được hai bên chấp thuận là một cầu nối quan trọng để hai quốc gia vượt lên những bất đồng đang tồn tại. Thực ra, đây mới là trọng tâm chuyến công du của nhà lãnh đạo Israel. Phát biểu trước khi lên đường đến Washington, Thủ tướng B.Netanyahu tuyên bố: "Cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ còn bao gồm việc củng cố an ninh của Israel, điều mà Mỹ luôn cam kết, bảo đảm sự sắc bén của Israel trong bối cảnh Trung Đông đang biến đổi và cán cân lực lượng đang thay đổi". Sự thay đổi mà ông B.Netanyahu nhắc tới là việc các cường quốc sẽ từng bước dỡ bỏ trừng phạt Iran theo thỏa thuận hồi tháng 7 vừa qua. Theo ông B.Netanyahu, điều này sẽ khiến Iran - đối thủ của Israel - có điều kiện đầu tư nhiều hơn để phát triển tên lửa, tài trợ cho các phong trào mà Israel coi là mối đe dọa truyền thống của quốc gia Do Thái. Tel Aviv cho rằng, chính quyền của Tổng thống B.Obama tăng viện trợ là cần thiết để bảo đảm an ninh cho đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Mỹ và Israel có quá nhiều lý do để không thể thiếu nhau trên bàn cờ địa - chính trị, chiến lược tại Trung Đông. Cuộc gặp hiển nhiên là nỗ lực của Tổng thống B.Obama nhằm hàn gắn quan hệ đồng minh Wasington - Tel Aviv trong năm cuối của nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn trước khi rời nhiệm sở vào năm 2016 sẽ để lại một Trung Đông ổn định như có thể. Còn Israel, những tháng cuối cùng tại nhiệm của Tổng thống B.Obama là thời điểm không thể bỏ lỡ với an ninh của người Do Thái do tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ từ năm ngoái sau khi các nỗ lực ngoại giao của Mỹ không đem lại hiệu quả.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel làm cả hai bên "hài lòng". Cái bắt tay giữa Tổng thống B.Obama và Thủ tướng B.Netanyahu dẫu chỉ vừa đủ để giảm nhiệt tại điểm nóng nhất hiện nay của thế giới; nhưng quan trọng hơn, cuộc gặp đã tạo bước khởi động mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn quá nhiều trắc trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động lại tiến trình hòa bình đầy trắc trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.