(HNMO) - Sáng 18-2, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Lễ khởi động Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam. Buổi lễ được kết nối trực tuyến với Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản tại Tokyo (Nhật Bản).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu nhấn mạnh, cải cách chế độ công vụ, công chức luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là khâu then chốt để bảo đảm thành công và hiệu quả của cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó có đổi mới hoạt động thi tuyển công chức. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hình thức thi phỏng vấn, lựa chọn lại nội dung thi và cách thức thi để có thể tuyển chọn được những công chức, viên chức có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực thi công vụ. Bộ Nội vụ xác định một trong những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc này là tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia điển hình thành công, trong đó Nhật Bản đã áp dụng kỳ thi tuyển quốc gia từ năm 1948 và đến nay vẫn thể hiện rõ tính hiệu quả của hoạt động này.
Thay mặt Văn phòng JICA tại Tokyo (Nhật Bản), ông Sawada Hiroyuki, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị và kiến thiết hòa bình cho biết, đây là dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật trong việc nâng cao năng lực ra đề và cải thiện hệ thống thi tuyển trong lĩnh vực thi tuyển công chức tại Việt Nam, do đó, phía JICA mong nhận được sự đóng góp tích cực hơn nữa từ phía Việt Nam để những hợp tác của phía Nhật Bản phát huy được kết quả.
Giới thiệu tổng quan về dự án, bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, dự án sẽ giúp Bộ Nội vụ bổ sung nguồn lực để đổi mới kỹ thuật và nội dung thi tuyển công chức nhằm mục tiêu áp dụng thành công phương pháp thi tuyển đã được cải tiến phù hợp với tuyển dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu về công chức của Chính phủ Việt Nam.
Hoạt động chính của dự án bao gồm: Các hoạt động liên quan tới thi tuyển vòng 1 (đánh giá tình trạng, thách thức hiện nay bao gồm các quy định chi tiết, cơ cấu tổ chức kỳ thi tuyển công chức ở Việt Nam cũng như các đơn vị thí điểm; xác định phương hướng để cải thiện phương pháp thực hiện kỳ thi tuyển vòng 1 cũng như chất lượng các câu hỏi; đưa ra lời khuyên để hoàn thiện dự thảo nghị định và các văn bản có liên quan tới thi tuyển); các hoạt động liên quan tới thi tuyển vòng 2 (đánh giá tình trạng hiện nay và thách thức trong việc tổ chức thi vòng 2; đề xuất giải pháp cải thiện đánh giá phương pháp thi vòng 2).
Thời gian thực hiện dự án từ 2021-2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.