(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, đề xuất kế hoạch ngân sách trị giá gần 4.000 tỷ USD cho năm tài chính 2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vấp phải sự phản đối gay gắt của đảng Cộng hòa. Đã có những bình luận rằng, bản kế hoạch tài chính này nhiều khả năng sẽ không thể
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP) |
Tăng thêm 240 tỷ USD so với năm 2015, dự thảo ngân sách mới được áp dụng kể từ tháng 10-2015 bao gồm nhiều khoản chi tiêu lớn dành cho cơ sở hạ tầng, quân đội và hoạt động nghiên cứu. Với chủ trương xây dựng nền kinh tế tập trung vào tầng lớp trung lưu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội, ông chủ Nhà Trắng đưa ra chính sách thu thuế các tập đoàn lớn và những cá nhân giàu có để hút nguồn tiền giải ngân cho các chương trình của chính phủ. Tổng thống B.Obama đề nghị đánh thuế một lần 14% mỗi năm đối với khoản lợi nhuận hơn 2.100 tỷ USD mà các doanh nghiệp Mỹ đang lưu giữ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế. Đây là một điểm mới và với quy định này, Chính phủ Mỹ sẽ thu được khoảng 238 tỷ USD để đầu tư vào chương trình xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống đường cao tốc, cầu phà, các đầu mối giao thông quan trọng…
Kế hoạch của Tổng thống B.Obama đã "giáng" một đòn mạnh mẽ vào tầng lớp giàu có trong xã hội Mỹ, vốn được đảng Cộng hòa "ưu tiên". Theo thống kê của Trung tâm chính sách thuế, 99,6% trong số 1% người Mỹ có thu nhập cao nhất (từ 663.000 USD trở lên) sẽ phải chịu gánh nặng từ việc tăng thuế, trung bình thêm 35.000 USD/năm. Bên cạnh đó, những người trong số 0,1% giàu có nhất (kiếm được ít nhất 3,4 triệu USD/năm) sẽ mất khoảng 2,6% (trung bình khoảng 168.000 USD) thu nhập sau thuế. Vì thế, không khó hiểu khi chỉ vài giờ sau khi người đứng đầu nước Mỹ đề xuất gói ngân sách mới, toàn bộ các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội đã phản đối kế hoạch trên.
Thực tế, ngân sách năm 2016 của Nhà Trắng đề nghị không quá lớn so với quy mô và mức độ muốn duy trì ảnh hưởng của một cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ. Song, nó dễ dàng trở thành tâm điểm cho cuộc tranh cãi gay gắt giữa Nhà Trắng và Quốc hội vốn có nhiều mâu thuẫn. Các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2016 của Tổng thống B.Obama chỉ nhằm "đánh bóng" uy tín của đảng Dân chủ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện Orrin Hatch cáo buộc kế hoạch của Tổng thống B.Obama chỉ tập trung đẩy mạnh chi tiêu chính phủ nhờ vào các khoản thu được từ việc tăng thuế. Trong khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng dự thảo ngân sách của ông chủ Nhà Trắng không có nhiều khác biệt so với các chính sách trước đó; đồng thời để ngỏ khả năng Hạ viện sẽ đề xuất một kế hoạch khác mang tính "hướng về tương lai" cho tài khóa 2016. Quốc hội Mỹ còn tuyên bố sẽ sử dụng lá bài ngân sách để bác bỏ các chính sách do Tổng thống B.Obama khởi xướng, trong đó có việc cắt đứt nguồn tài trợ cho Bộ An ninh nội địa (DHS) nếu Tổng thống B.Obama không từ bỏ dự luật di trú. Theo luật này, khoảng 5 triệu người được phép cư trú dài hạn ở Mỹ. Trước những phản đối từ phe Cộng hòa, trong bài phát biểu tại Bộ An ninh nội địa mới đây, Tổng thống B.Obama nhấn mạnh không thể để sự bất đồng gây phương hại cho an ninh quốc gia; đồng thời cảnh báo đảng Cộng hòa không nên "chơi trò chính trị" với nền kinh tế và an ninh của đất nước. Tuy nhiên đối với các nghị sĩ đảng Dân chủ, kế hoạch ngân sách của Tổng thống B.Obama được coi là một bản "dự thảo tuyên ngôn bầu cử" của các ứng viên đảng này. Đây cũng là cơ hội để họ chứng minh rằng tôn chỉ của đảng Dân chủ là tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho người dân nói chung, cũng như thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội sẽ giúp đảng này có thêm cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Dự thảo ngân sách của Tổng thống B.Obama đang châm ngòi cho những tranh luận về sự công bằng và tinh thần trách nhiệm - hai vấn đề quan trọng mà các ứng viên hai đảng sẽ phải hướng tới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong 2 năm tới. Vì thế, ý nghĩa của đề xuất kế hoạch tài khóa mới không chỉ nằm ở chỗ có "qua ải" Quốc hội được hay không mà quan trọng hơn, dự thảo này đang và sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận mạnh mẽ khiến cả hai đảng phải có những cân nhắc và thay đổi về chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.