Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi dậy tình yêu con Lạc cháu Hồng

Thanh Hải| 07/02/2010 06:15

(HNM) - Khác với mọi năm, tiết trời Hà Nội ngày áp Tết nóng lạ thường. Không mưa bụi, chưa thấy dấu hiệu của tiết xuân. Nóng như mùa hè khiến những người làm công tác tổ chức chương trình gặp gỡ

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thả cá chép nhân ngày ông Công ông Táo lên trời. Ảnh: Thống nhất - TTXVN


Nhưng chứng kiến đoàn xe chở kiều bào từ các tỉnh, thành nườm nượp đổ về Hoàng thành Thăng Long, nơi diễn ra Lễ Dâng hương hướng về cội nguồn dân tộc và Lễ hội Văn hóa chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoạt động mở đầu của chương trình, chiều 6-2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), Ban tổ chức mới thở phào nhẹ nhõm. Hơn 1.000 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt trước giờ khai mạc cả tiếng đồng hồ. Những cánh tay siết chặt, nụ cười rạng rỡ của người thân lâu ngày gặp lại đã mang đến cho buổi gặp mặt hơi thở mới trong nghĩa tình quê hương.

Sâu đậm tình cảm "Uống nước nhớ nguồn"
Điều này đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Lễ Dâng hương hướng về cội nguồn dân tộc và Lễ hội Văn hóa chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, hoạt động này, do UBND thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã thành truyền thống. Năm 2010, việc chọn Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di tích gắn liền với lịch sử của kinh đô Thăng Long và lịch sử cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, đã mang lại nhiều ý nghĩa cho Lễ Dâng hương, là dịp để bà con kiều bào thể hiện lòng thành kính và ghi nhớ công ơn của các vị tiên đế; biểu thị tình cảm gắn bó, quan hệ máu thịt đối với quê hương, đất nước.

Bất chấp cái nóng oi ả, hơn 1.000 kiều bào và rất đông người thân đã đứng chật sân chính của trung tâm Hoàng thành, lắng nghe làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước trong không khí xuân tưng bừng hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Nguyễn Gia Hiền, Việt kiều Canađa tâm sự: "Lần đầu tiên được về dự “Xuân Quê hương”, tôi rất xúc động khi được gặp lại anh em ở nhiều vùng miền trên thế giới, đặc biệt khi thấy được sự quan tâm, động viên của Đảng và Nhà nước, được dự lễ hội văn hóa độc đáo mà không dễ gì có được cơ hội tại trung tâm Thành Thăng Long này. Chắc chắn, dẫu rằng ở xa nhưng chúng tôi sẽ luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng quê hương”.

Không riêng ông Hiền, mong ước ấy cũng là điều mà hàng triệu kiều bào ta ở khắp năm châu đang nỗ lực thực hiện. Những nén nhang thành kính thắp lên trong Lễ Dâng hương của kiều bào đã khẳng định điều ấy.


Khẳng định bản lĩnh Việt Nam
Đúng 20 giờ, tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Hà Nội, Đêm hội Văn hóa Việt, điểm nhấn của chương trình “Xuân Quê hương” 2010 chính thức bắt đầu. Đêm hội vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, lãnh đạo một số bộ, ngành của trung ương, Hà Nội.

Thay mặt Đảng, Nhà nước chúc Tết kiều bào nhân dịp Xuân Canh Dần 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng thông báo, năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp, tác động mạnh đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam nhưng nhờ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân trong và ngoài nước, kinh tế đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn, có bước phát triển quan trọng, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng ổn định. Đặc biệt, vai trò và vị trí của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, với bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam, với sự đồng tâm, hiệp sức của đồng bào trong và ngoài nước, chắc chắn năm 2010 chúng ta sẽ giành được nhiều thành tựu mới to lớn. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi thấy đồng bào ở nước ngoài ngày càng ổn định, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và có nhiều hoạt động tích cực hướng về Tổ quốc. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn trân trọng những đóng góp của kiều bào - một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn có chính sách tạo điều kiện để bà con tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Nguyễn Thị Thu Vân, 35 tuổi, Việt kiều Canađa: Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay nóng quá, không giống không khí Tết như ba tôi vẫn kể. Nhưng tôi lại rất thích vì ở Canađa quá lạnh và về đây được hưởng không khí ấm áp, chan hòa. Cho dù ở Canađa, chúng tôi cũng có bánh chưng, đồ ăn tết như ở Việt Nam, nhưng về quê hương, được tham gia hoạt động quan trọng này, thấy tình cảm của mọi người dành cho kiều bào, chúng tôi có một cảm xúc xốn xang khó tả.

* Lê Hoàng Dương, 17 tuổi, Việt kiều tại Xlôvakia: Tôi rời quê hương sang sống tại Xlôvakia khi mới 4 tuổi. Tết với người xa xứ ở Xlôvakia rất buồn và lạnh, cộng đồng người Việt có khoảng 5.000 người nhưng ở xa nhau. Tết đến các gia đình chỉ tổ chức được ở trong nhà chứ không được đi ra ngoài như ở Việt Nam. Bởi vậy, mỗi lần được về nước đón Tết, tôi rất háo hức, ngóng chờ.

* Ông Nguyễn Tiến Khoa, 86 tuổi, Việt kiều Pháp: Tôi là người Hà Nội gốc, trước kia sống ở phố Hàng Bạc. Tôi rời nhà sang Pháp từ năm 1949. Lần này được về quê ăn tết, tôi thấy vô cùng cảm động. Về rồi là không muốn đi nữa, có lẽ tại tôi già rồi, nhưng điều quan trọng hơn là tôi rất thích không khí ở quê hương, mọi người vui vẻ chào đón tôi, ấm áp vô cùng. Đồ ăn ở quê lại ngon, rẻ. Ở Pháp chúng tôi cũng có tổ chức Tết nhưng thường là theo người Hoa chứ không có cái Tết thật sự mang hương vị quê nhà như ở đây.

Trung Hiếu
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy tình yêu con Lạc cháu Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.